Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo sức mua giảm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm trước, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) thường đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch của năm. Nhưng năm nay, nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng do lượng hàng tồn kho cao, trong khi dự báo sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.

Sức mua không tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 đã "hạ nhiệt" khá sâu khi chỉ tăng 0,47% so với tháng 10. Dự báo cả năm CPI tăng khoảng 7,5%. Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù đã gần hết năm nhưng hoạt động sản xuất của hầu hết DN chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Các DN hiện đang phối hợp với siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại để giải phóng hàng tồn. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua có thể sẽ không bằng những năm trước.
 
Nỗi lo sức mua giảm - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Trong ảnh: Người tiêu dùng lựa chọn hàng tại CO.OP MART Hà Nội.Ảnh: Việt Linh
 
Dự kiến, sức mua của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2013 sẽ chỉ tăng khoảng 5 - 10%, trong khi thông thường, năm sau thường tăng khoảng 20% so với năm trước. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, cán bộ đối ngoại Siêu thị Big C nhận định: Thực tế nhu cầu mua sắm vẫn rất lớn, nhưng tình hình kinh tế khó khăn đang kéo sức mua chững lại, có thể Tết Quý Tỵ người dân sẽ không mua sắm nhiều bằng những năm trước.
 
Mặc dù sức mua có thể không tăng nhưng để hạn chế tình trạng khan hàng, sốt giá, các DN đều đã dự trữ một lượng lớn hàng phục vụ Tết. Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện các DN đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu tiêu dùng tăng thêm của Hà Nội trong tháng Tết. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm trước). Còn tại TP Hồ Chí Minh, tổng nguồn vốn hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết lên đến 6.600 tỷ đồng (tăng hơn 1.200 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số DN còn dự trữ hàng dưới dạng nguyên liệu, nếu nhu cầu tăng sẽ tiến hành đóng gói thành phẩm cung ứng cho thị trường. 

Nỗi lo sức mua giảm - Ảnh 2
Dự báo, sức mua dịp Tết 2013 chỉ tăng 5 - 10%. Trong ảnh: Mua hàng tại Siêu thị Big C.Ảnh: Nam Hoài
 
Sản xuất cầm chừng 

Lo ngại về sức mua trong dịp Tết Nguyên đán giảm, hầu hết các DN sản xuất cũng dè dặt trong việc sản xuất, dự trữ hàng hóa. Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica cho biết, mặc dù bánh kẹo, mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết, nhưng nhiều DN đã giảm 5 - 10% lượng hàng so với Tết Nhâm Thìn. Ngay cả Bibica, mặc dù đã chuẩn bị lượng nguyên liệu đủ sản xuất 1.200 tấn bánh kẹo tăng 15% so với năm ngoái nhưng đơn vi cũng chỉ sản xuất theo từng đợt, tùy tình hình mà điều chỉnh kế hoạch nhằm hạn chế tồn kho.

Không chỉ các DN ngành bánh kẹo mới lâm vào thế khó mà các DN ngành thực phẩm chế biến cũng trong tình trạng tương tự. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food cho biết: Năm nay, DN chỉ sản xuất lượng hàng phục vụ Tết bằng với số lượng của năm trước. Nguyên nhân là do người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu, hạn chế dự trữ hàng đông lạnh nên khó có thể tăng sản lượng những mặt hàng này. Ngay cả Công ty Vissan, dù đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối khá hoàn chỉnh nhưng cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2012. Dự kiến, sẽ có hơn 1.000 tỷ đồng đồng hàng hóa được Vissan chuẩn bị cho dịp Tết.

Thông tin từ các DN phân phối như Hapro, Fivimart, Sài Gòn Coopmart… cũng cho thấy, mặc dù là nguồn dự trữ tăng gần gấp 2 lần so với kế hoạch được giao, nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối trên 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến... nhưng theo nhiều DN, đó là lượng hàng nằm trong chương trình bình ổn giá, còn trên thực tế, sản lượng chung không tăng.

Trong khi đó, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống cũng không dám trữ hàng nhiều như mọi năm do sức mua hiện vẫn ở mức trung bình, cộng với tình hình giá cả đầu vào cao, khiến giá sản phẩm tăng nên rất khó tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Hỗ trợ 1.285 tỷ đồng vốn cho doanh nghiệp dự trữ hàng Tết

Dự  báo  nhu cầu hàng hoá trong dịp Tết  sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 10% so với năm trước, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ  lên 10 - 15%, đồng thời phát triển mạng lưới, điểm bán hàng bình ổn để phục vụ người dân vào dịp Tết năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 48/63 địa phương báo cáo về kế hoạch chuẩn bị Tết, trong đó có 24 địa phương có quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ hàng với số vốn được hỗ trợ 1.285 tỷ đồng.