KTĐT - Trong bữa ăn, em trở thành diễn viên bất đắc dĩ đóng vai vui tíu tít còn bố mẹ thì vừa hờ hừng vừa miễn cưỡng, gượng gạo. Em đã chủ động nhắn lại số máy của người phụ nữ kia, xin cô đừng phá hạnh phúc gia đình em. Cô ấy cũng đã gọi lại cho em và nói em đã hiểu nhầm.
Tôi được nghe chuyện về một nữ sinh lớp 9 khóc nức nở với cô giáo chủ nhiệm khi phát hiện bố có tình cảm khác ngoài mẹ.
Em đã hoảng sợ và hoang mang khủng khiếp khi nhớ lại tình trạng cha mẹ mình đã "ly thân" suốt nửa năm qua.
Nỗi lòng con trẻ
Cô học trò kể: "Mẹ em đã nhất định đòi ngủ cùng em nhưng em không chịu. Em cảm thấy bố mẹ em đang có chuyện. Em không biết phải làm thế nào. Em đã cố tình tỏ ra ngủ rất hỗn, đạp lung tung để buộc mẹ phải về phòng ngủ của bố mẹ. Nhưng mẹ đã trải nệm ngủ dưới sàn trong phòng em.
Còn bố, bố không nói chuyện cùng mẹ, thậm chí những gì bố mẹ cần thiết phải trao đổi với nhau đều thông qua em. Bố bảo: "Đưa tiền ăn này cho mẹ". Mẹ bảo: "Việc đó là của bố. Mẹ không biết". Cứ như thế, em quá mệt mỏi vì phải chạy đi chạy lại giữa hai người.
Cô học trò kể trong nước mắt: "Thức ăn do mẹ em nấu, bố luôn ăn với thái độ bực dọc, chê trách. Quần áo mẹ mua cho em, bố bảo xấu và bố cấm mặc. Mẹ thì bảo bố không gương mẫu, bỏ bê việc nhà, coi thường mẹ... Nhiều lần, muốn thay đổi tình hình em đã đòi bố đưa cả nhà đi ăn.
Trong bữa ăn, em trở thành diễn viên bất đắc dĩ đóng vai vui tíu tít còn bố mẹ thì vừa hờ hừng vừa miễn cưỡng, gượng gạo. Em đã chủ động nhắn lại số máy của người phụ nữ kia, xin cô đừng phá hạnh phúc gia đình em. Cô ấy cũng đã gọi lại cho em và nói em đã hiểu nhầm.
Nhưng em biết là cô ấy nói dối vì trong máy vẫn lưu tin nhắn hai chiều. Theo tin lưu lại thì cô và bố đã nói bao lời yêu thương, mà chắc hẳn từ lâu rồi bố mẹ em không nói với nhau như thế. Em phải làm gì để mái nhà của mình luôn được êm ấm? Và nhất là đừng đứng trước nguy cơ tan vỡ?".
Cần sự chân thành
Cô học trò trong trường hợp này cần có cách ứng xử hợp với "vai" của mình. Nghĩa là việc cháu tự ý nhắn tin lại cho người bạn gái kia của bố là không nên, nhưng việc muốn cả nhà đi ăn cùng nhau thì lại là cần thiết. Song, cô bé không cần phải diễn kịch mà nên chân thành nói chuyện riêng với bố và mẹ rồi tha thiết mong gia đình vượt qua được sóng gió thử thách.
Cô giáo đã khuyên cô học trò cần tôn trọng và hiểu cho hoàn cảnh cụ thể trong đời sống với những cắc cớ chưa dễ phân định trắng ra trắng đen ra đen để em gái bình tĩnh làm chất "xúc tác" để bố mẹ về bên nhau. Tuyệt đối em không được phép cho mình quyền kết tội bố và phán xét việc của người lớn. Bởi nếu từ phản ứng quyết liệt rất tiêu cực này thì em sẽ bỏ bê học hành và coi thường mọi chuẩn mực. Đây là điều tai hại nhất.
Làm sao cho cô nữ sinh này sống tế nhị và biết "nhịn mình" vì người khác là rất khó. Em cần tránh chạm vào "câu chuyện tay ba" của bố mẹ. Và em cần cùng mẹ kéo bố về lại với mái nhà bằng tình yêu thương chứ em không thể lại làm một "tiểu quan toà" bên cạnh người mẹ luôn là "chủ toạ". Nếu làm vậy người cha dù không muốn rời gia đình cũng phải ra đi vì thấy mình mất uy tín và không có giá trị.
Trái tim yêu lạc đường của người chồng, người cha cũng cần trái tim nhân hậu của người vợ và con cái ấm nồng mong sự trở về. Có một người phụ nữ tuy ít học nhưng rất đáng trọng, khi ở trong trường hợp này nói với tôi: "Tôi nghĩ việc anh ấy đi theo cô kia là cái hạn của gia đình tôi. Trời đày anh ấy, cô kia và cả tôi. Thôi thì mình là vợ mình cứ ăn ở cho có đức và vẹn đạo thì trời thương rồi anh ấy cũng tỉnh ra nhìn nhận lại. Nếu không, thì nó cũng là cái số rồi. Tranh giành làm sao được tình cảm. Ăn ở với nhau một ngày nên nghĩa, anh ấy mà được vui đến mức như phải bùa mê thế, thì tôi cũng để anh ấy yên"...
Các cụ có câu: "Lạt mềm buộc chặt" trong trường hợp này là rất đúng. Chỉ có mở lòng yêu thương mới vãn hồi được yêu thương. Như một nhà thơ đã viết: "Những bố mẹ ở bên bờ chia cắt / Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình".