KTĐT - Hôm đầu tiên về làm dâu, buổi sáng ngủ dậy, Thủy quên không chào hỏi bố mẹ chồng nên đã bị các cụ trách: “Sao không hỏi han ai?”.
Thấy mẹ chồng phàn nàn: “Sao con về muộn mà không báo trước? Bắt cả nhà phải đợi cơm”, Thủy chỉ đáp: “Vâng” mà không giải thích. Cả tối đó, Thủy không vui… vì xe bị xịt lốp, phải dắt bộ một quãng dài mới tìm được hàng sửa xe máy thế mà vừa về đến nhà đã nhận được sự khó chịu của mẹ chồng.
Mẹ chồng - nàng dâu như quan hệ giữa hai người phụ nữ xa lạ sống chung một mái nhà.
Lúc xe hỏng, nhận điện thoại của chồng, Thủy đã trình bày lý do. Tưởng chồng báo về cho bố mẹ ở nhà nhưng anh xã ham chơi, còn về nhà muộn hơn cả vợ.
Đây không phải lần đầu tiên, Thủy định giải thích với mẹ chồng nhưng lại thôi. Những lúc nghe mẹ chồng trách: “Sao con không tắt điện trong nhà tắm?”, “Sao mặt bếp gas bẩn thế này mà không kiếm cái giẻ lau đi?”, “Sao uống nước xong mà không úp cốc?”… Thủy cũng muốn biện minh như: “Con đang tìm giẻ lau” hoặc “Con cũng quên chưa tắt điện”. Thế nhưng, cô lại nhăn mặt im lặng, còn trong lòng thì hậm hực: “Mẹ xét nét quá. Có thế mà cũng nhắc nhở, phàn nàn”.
Hôm đầu tiên về làm dâu, buổi sáng ngủ dậy, Thủy quên không chào hỏi bố mẹ chồng nên đã bị các cụ trách: “Sao không hỏi han ai?”. Thủy nghĩ đơn giản, bố mẹ chồng cũng như bố mẹ ruột. Ở nhà Thủy, sáng dậy không phải chào hỏi bố mẹ đẻ nên về nhà chồng, cô vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt đó. Nhưng thay vì chia sẻ nỗi lòng với mẹ chồng, Thủy lại giữ kẽ, cô sợ nói điều gì sẽ làm mẹ chồng phật ý.
Có lần, Thủy mua nho trong siêu thị. Lúc về, cô tiện tay xách túi nho lên phòng riêng, định mang xuống mời bố mẹ sau nhưng lại quên mất. Sáng dậy, cô vội vã đi làm nhưng đến chiều về, mẹ chồng đã hỏi: “Con mua nho làm gì, không để tủ lạnh, nó lại hỏng ra” rồi cụ chép miệng: “Muốn ăn riêng thì mua ít thôi. Đúng là no bụng đói con mắt”. Muốn phân minh rằng: “Con quên mất, con chưa ăn quả nào. Con mua là để cả nhà ăn thôi” nhưng vì tự ái, Thủy im lặng.
Vì câu nói đó của mẹ chồng, Thủy tủi thân đến phát khóc. Lần nào mua hoa quả về, Thủy cũng biết ý ăn cùng bố mẹ, chứ chưa bao giờ lén lút ăn riêng. Bao nhiêu thiện cảm Thủy dành cho bố mẹ chồng bỗng dưng biến mất.
Ngại ngần dễ gây hiểu nhầm
Sống chung với bố mẹ chồng, chắc chắn, không tránh khỏi những rắc rối nhỏ. Nhiều nàng dâu cho rằng bị mẹ chồng xét nét nên cảm thấy buồn tủi mà không thích chia sẻ hay gần gũi với nhà chồng. Chính những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết sẽ tích tụ theo thời gian. Cho đến khi, chính con dâu có cảm giác gò bó, mệt mỏi và bất mãn với nhà chồng.
Mẹ chồng - nàng dâu giống như quan hệ giữa hai người phụ nữ xa lạ, sống chung một mái nhà. Trong khi mẹ chồng muốn thành viên mới phải hòa hợp với cách sinh hoạt của gia đình thì con dâu còn vụng về, lóng ngóng và chưa quen với nếp chung. Lúc đó, mẹ chồng sẽ khắt khe hơn với con dâu, còn con dâu thấy mệt mỏi vì bị “soi mói”, dù đã cố gắng để hòa nhập.
Giả sử đó là bố mẹ đẻ, con dâu tất nhiên sẽ giải thích lý do, rằng con thế này hay con thế kia. Tuy nhiên, đây lại là mẹ chồng nên nhiều khi, con dâu còn giữ kẽ, ngại giải trình và ác cảm vì mẹ chồng hay “bắt bẻ”. Và vì còn giữ khoảng cách và “khách sáo” với nhau nên mẹ chồng - con dâu rất dễ hiểu nhầm.
Để tránh ấm ức và cũng để mẹ chồng hiểu mình hơn, con dâu cần giải thích hoặc có lời nói trước với mẹ chồng. Chẳng hạn, mua hoa quả về thì có thể nói: “Con mua nho (táo) về cả nhà cùng ăn”… tránh cứ mua đồ về đặt đó, mẹ chồng thì tức vì con dâu mua đồ ăn mà không mời mình trong khi con dâu nghĩ: “Con mua về là cả nhà ăn, đâu cần phải mời mọc”.
Nếu có điều gì đó cần góp ý hoặc cần giải thích, tốt nhất, con dâu cần nói ra. Không phải mọi ý kiến của con dâu đều được mẹ chồng cảm thông và chấp thuận nhưng giao tiếp là cách nhanh nhất giúp mẹ con gần nhau.