Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nội trợ - Nghề chịu nhiều rủi ro về sức khỏe

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đau lưng do xách giỏ đi chợ mỗi ngày là nguyên nhân ít ai ngờ tới. Đã thế, những khi nhà có giỗ, đãi tiệc hay đổi món “ít thịt, nhiều xương” như nghêu sò ốc hến vào ngày cuối tuần cũng làm nặng thêm đôi vai bà nội trợ…

KTĐT - Đau lưng do xách giỏ đi chợ mỗi ngày là nguyên nhân ít ai ngờ tới. Đã thế, những khi nhà có giỗ, đãi tiệc hay đổi món “ít thịt, nhiều xương” như nghêu sò ốc hến vào ngày cuối tuần cũng làm nặng thêm đôi vai bà nội trợ…

Nhiều người vẫn coi nội trợ là công việc đơn giản. Ít ai biết, đây cũng là một nghề nguy hiểm với nhiều rủi ro về sức khỏe. 

Nguy hiểm từ bếp

Người có “thâm niên” tiếp xúc với khói bếp rất dễ bị ảnh hưởng đến da và phổi. BS Đỗ Thị Tường Oanh, Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết: “Khói bếp là nguyên nhân gây bệnh COPD đứng hàng thứ hai sau khói thuốc lá!”. Khi COPD xảy ra, đường thông khí hệ hô hấp bị tắc nghẽn, gây khó thở, ho…

Nếu không điều trị, vách của các phế quản bị xơ hóa gây nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong sớm (các nhà chuyên môn gọi căn bệnh này là “kẻ giết người thầm lặng”). Để hạn chế bệnh này, các gia đình nên dùng bếp gas, bếp điện thay vì bếp than, củi… Tuy nhiên, các món nướng, chiên chỉ nên nấu nướng nơi không khí thoáng đãng, đỡ thải thán khí trong nhà.

Để “nhà mát, bát ngon cơm” hay chồng con “quần là áo lượt”, thơm tho, các bà nội trợ còn phải tiếp xúc với hóa chất từ nước rửa chén, nước cọ nhà tắm, bột giặt, thuốc tẩy, nước xả… Ngày càng nhiều bà nội trợ tìm đến BV Da Liễu điều trị do bị hóa chất “ăn” tay.

Theo BS Mai Thu Đường, BV Da Liễu TPHCM: “Trong hóa chất có chứa nhiều chất tẩy mạnh, làm tan lớp tế bào sừng bảo vệ da”. Thế nhưng, nhiều người ngại dùng găng tay vì vướng víu hoặc tay bị đổ mồ hôi do hầm nóng trong lớp cao su “bít bùng”.

Để không khó chịu, BS Thu Đường hướng dẫn: “Trước khi xỏ găng tay, cần thoa vào tay một lớp phấn (phấn rôm của em bé) hoặc đeo thêm một găng tay vải”. Về nước xả làm mềm vải, thông tin từ trang web sixwise.com cho biết có chứa các chất như: benzyl acetate, benzyl alcohol, camphor, pentane… không tốt cho hệ hô hấp, hệ thần kinh. Vì thế, không nên lạm dụng nước xả vải, vừa bảo vệ môi trường vừa tránh mối nguy cho cơ thể.

Xương khớp “bị ăn hiếp”

Đau lưng do xách giỏ đi chợ mỗi ngày là nguyên nhân ít ai ngờ tới. Đã thế, những khi nhà có giỗ, đãi tiệc hay đổi món “ít thịt, nhiều xương” như nghêu sò ốc hến vào ngày cuối tuần cũng làm nặng thêm đôi vai bà nội trợ…

BS Nguyễn Văn Quang - Hội Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, khẳng định: “Nếu không ngồi lâu nhưng vẫn bị đau lưng thì chắc chắn nguyên nhân là do xách nặng, vác nặng. Và đây là bệnh thường gặp của các bà nội trợ”.

Cố gắng khuân vác, lưng bị nghiêng lệch về một bên (thường về bên tay thuận), các cơ lưng phải co rút mạnh để giữ thăng bằng trong thời gian dài liên tục. Lúc đầu xách nặng, chỉ thấy hơi mỏi, cùng với thời gian và tuổi tác, sự mệt mỏi tăng dần và đau hẳn một bên lưng (cái lưng không chịu nổi sự quá tải nên “lên tiếng” bằng cách “kêu”… đau). Việc điều trị chứng đau này chỉ còn cách thay đổi thói quen. Nếu phải xách nặng, chị em nên đi chợ bằng xe đạp, xe máy hoặc nhờ chồng chở - cũng là cơ hội để chồng chia sẻ gánh nặng với vợ.

Vẫn biết đau cổ tay sau khi sinh nở là chuyện thường gặp ở những bà mẹ trẻ. Đa số đau ở cổ tay trái trước, rồi đau sang cổ tay phải, vắt khăn cũng đau, cầm vật nhẹ không nổi, nhiều người “đổ” cho sinh đẻ không kiêng cữ nên ảnh hưởng xương khớp. Thế nhưng, BS Thái Thị Hồng Ánh, Khoa Cơ xương khớp, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết: “Đây là bệnh Quervain - bao gân bị cọ xát do sử dụng cổ tay quá nhiều trong các động tác nâng lên hạ xuống như: nâng hạ bình thủy (nhất là hiện nay, khi các bé bú sữa ngoài nhiều hơn bú mẹ), giặt quần áo, nâng ẵm bé sai tư thế… Để điều trị, cần ngưng làm việc nặng, hạn chế cử động cổ tay cho gân nghỉ ngơi. Mang nẹp hoặc băng thun cổ tay cũng là phương pháp hiệu quả”.

Danh sách bệnh của các “nội tướng” không chỉ dừng ở đây. Một căn bếp không đạt tiêu chuẩn, công việc quá sức cộng với tâm lý của người “chỉ từ nhà ra chợ” còn gây ra hàng loạt những căn bệnh có tên và không tên khác. Vì vậy, người nội trợ cần cẩn trọng bảo vệ sức khỏe của mình, biết cách sắp xếp công việc hợp lý, khoa học và “động viên” chồng con cùng chia sẻ việc nhà.