Thế nên, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe từ những "thực phẩm bẩn".
Mỳ, miến “hấp”... nước cống thối
Ngày giáp Tết, tại những làng nghề chuyên sản xuất các loại miến, mì, bánh đa như: Hữu Hòa (huyện Thanh Trì); Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức) không khí rất tất bật từ đầu làng đến cuối xóm với việc: Thái, phơi, đóng gói sản phẩm. Miến, mì gạo sau khi chế biến được các hộ dân mang phơi tại các ngõ xóm đầy bụi bặm và ngay bên cạnh những cống nước thải đen ngòm. Nguy hiểm hơn, để sản phẩm mau khô, nhiều gia đình còn mang ra phơi cả lên những phên, dậu bên sông Nhuệ mà ở dưới là bãi rác và dòng nước thải ô nhiễm trầm trọng, đen kịt, đang bốc mùi hôi thối.
Sản phẩm mì, miến được phơi trên bãi rác, cạnh dòng nước sông đen kịt, hôi thối ở xã Hữu Hòa. Ảnh: Lê Đạt
|
Tại cơ sở sản xuất miến của gia đình ông H. (ở xóm Chùa, xã Hữu Hòa), đứng ngoài đường chúng tôi cũng có thể quan sát thấy khoảng 5 - 6 người đang dùng máy cắt miến. Đống sản phẩm vứt lăn lóc dưới nền nhà đầy bụi đất. Để bó miến người thợ còn dùng chân đất đạp, dẫm lên đống miến khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy không an lòng. Được hỏi về tình trạng miến sản xuất tại địa phương, ông Nguyễn Văn Q. (xóm Chùa) chia sẻ: "Làng này từ bao đời nay sản xuất miến nổi tiếng khắp từ Bắc đến Nam. Nhưng, mấy năm gần đây bị thương mại hóa nhiều. Mà làm nhanh thì ắt phải ẩu và không đảm bảo vệ sinh. Người làng muốn ăn miến, mì đảm bảo an toàn chất lượng thì phải đặt hàng tháng trước Tết". Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng sản xuất miến tại nhiều cơ sở thuộc xã Hữu Hòa cũng trong tình trạng mất ATTP tương tự tại xưởng của gia đình ông H.
... và rác, bụi bẩn
Để tìm hiểu thêm về vấn đề đảm bảo ATTP trong sản xuất miến dong, chúng tôi tìm về xã Cát Quế (huyện Hoài Đức). Ngay từ đầu xã, hàng loạt mảnh dong, miếng sắn được người dân thái lát mỏng phơi ngổn ngang trên mặt đường. Những nguyên liệu này được phơi trên một số tấm nilon hoặc mảnh vải cũ kỹ, ruồi nhặng bu bám và bụi bặm. Tất cả được các hộ sản xuất, kinh doanh sáng mang ra đường hong phơi, chiều thu về mà không hề che đậy hay bảo quản gì để mặc các phương tiện xe cơ giới qua lại vẩy bụi bẩn vào. Không chỉ nguyên liệu, mà ngay cả những sản phẩm đã được chế biến như: Bánh đa, bánh phở, mì miến… cũng được người dân vô tư đặt trên các phên tre, nứa bày khắp đường làng, ngõ xóm. Anh Nguyễn Quang Anh - một người dân địa phương cho biết: "Vào dịp Tết, gia đình nào cũng phải mua dăm ba cân mì, miến để ăn. Thế nhưng, bây giờ mà tìm mua được những sản phẩm đạt chất lượng rất khó. Chị Trần Thu Hồng (người dân xã Cát Quế) phân trần: "Đúng là người ở nơi xa đến thấy vậy thì lo sợ chứ chúng tôi sống ở đây, hàng ngày chứng kiến cảnh chế biến sản phẩm như vậy mãi cũng thành quen. Mà những sản phẩm như vậy người dân chúng tôi ăn có thấy bị ngộ độc hay dị ứng đâu?".
Liên quan đến tình trạng sản xuất miến không đảm bảo về ATTP tại xã Hữu Hòa (Thanh Trì), ông Tưởng Văn Chúc - Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay người dân không sản xuất thủ công như trước, nguyên liệu được nhập từ Lạng Sơn về nên đã giảm bớt công đoạn chế biến giúp cải thiện việc gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nghề làm miến đòi hỏi nơi phơi rộng, trong khi các gia đình diện tích đất thì hẹp nên người dân phải phơi dọc đường làng, bờ sông nên bụi bặm, không đảm bảo vệ sinh là không tránh khỏi".
Ông Tưởng Văn Chúc cho biết thêm, chính quyền cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên ngành, đoàn kiểm tra tuyên truyền, nhắc nhở các hộ sản xuất kinh doanh để đảm bảo ATTP; còn việc xử phạt thì rất khó vì nếu phạt họ không làm sẽ có nguy cơ mất làng nghề...
Lâu nay, tình trạng sản xuất thực phẩm mứt, mì miến, bánh kèo... nhỏ lẻ không đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tồn tại. Tình trạng này đồng nghĩa với việc hàng triệu người tiêu dùng sẽ tiếp tục phải sử dụng "thực phẩm bẩn" mỗi dịp Tết đến (!?).