Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng bỏng Trung Đông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) không diễn ra như dự định nhưng kịch bản can thiệp của phương Tây vào quốc gia Trung Đông này đã được quyết định. Ngày 15/6, Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria vì Chính phủ nước này đã bước qua “giới hạn đỏ” khi sử dụng các tác nhân chiến tranh hóa học trong cuộc nội chiến.

Động thái trên của Washington cùng thông tin tàu sân bay hạt nhân Eisenhower của Mỹ thi hành công vụ trong vùng vịnh Ba Tư đang tiến vào Địa Trung Hải được giới quan sát đánh giá là một bước đệm để Mỹ và đồng minh nhảy vào Syria theo “kịch bản Iraq”. Ngoài ra, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin tiết lộ chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc thiết lập vùng cấm bay hạn chế ở biên giới phía Nam Syria, giáp với Jordan, với mục tiêu hỗ trợ lực lượng nổi dậy và mở đường cho một cuộc can thiệp quân sự. Việc thiết lập vùng cấm bay đòi hỏi Mỹ phải tiêu diệt hệ thống phòng không hiện đại của Syria do Nga trang bị, tương tự cách Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào cuộc chiến Libya 2 năm trước. Tất cả những diễn biến trên đặt Syria và các nước trong khu vực Địa Trung Hải vào tình trạng nguy cấp.
 
 
Nóng bỏng Trung Đông - Ảnh 1
Tàu sân bay hạt nhân Eisenhower của Mỹ tiến vào Địa Trung Hải được đánh giá là một bước đệm để Mỹ và đồng minh can thiệp Syria .    Ảnh: AFP
 
 
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ bất ngờ tuyên bố Damascus sử dụng vũ khí hóa học và điều tàu chiến, hệ thống tên lửa Patriot tới khu vực… vì nếu chậm chân, việc can thiệp vào Syria sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vào lúc này, lực lượng đối lập Syria liên tục nảy sinh những bất đồng và yếu đi nhanh chóng, còn tỷ lệ người dân Syria chuyển sang ủng hộ Tổng thống Assad ngày càng cao, lên tới hơn 60%. Trong khi bên ngoài Syria, Nga vẫn khẳng định lập trường cương quyết ủng hộ chiếc ghế Tổng thống của ông Assad, còn Iran cam kết viện trợ cho Syria gói tín dụng lớn chưa từng có trị giá 4 tỷ USD. Thậm chí, lực lượng Hezbollah của Lebanon đã khẳng định sẽ tham chiến bên cạnh Chính phủ Syria nếu lực lượng thứ 3 nào dám xâm nhập nước này.
 
Ngoài những diễn biến trên, việc chính quyền Ai Cập quyết định cắt đứt mọi quan hệ với chế độ cầm quyền hiện nay tại Syria, đóng cửa Đại sứ quán Syria tại Cairo và rút đại biện lâm thời Ai Cập tại Syria về nước cũng khiến dư luận bất ngờ. Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Ai Cập đưa ra tuyên bố chống lại chế độ cầm quyền tại Syria, nhưng động thái trên được cho là có liên quan đến Iran – đồng minh thân cận nhất trong khu vực của Syria. Trong tuyên bố thắng cử hôm 16/6, tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã khẳng định về cơ bản sẽ kiên định chính sách đối ngoại mà Chính phủ tiền nhiệm từng theo đuổi. Theo đó, gói viện trợ trị giá 4 tỷ USD cho Syria sẽ nhanh chóng được giải ngân.
 
Tình hình nóng bỏng tại Syria và Trung Đông lập tức thay thế các vấn đề kinh tế toàn cầu để trở thành nội dung được thảo luận chủ yếu trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra tại Ireland hôm 17 – 18/6. Dù kết quả của các cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Nga – Mỹ bên lề Hội nghị trên ra sao, thì Syria vẫn đang đứng trước nguy cơ chìm vào vòng xoáy xung đột.q