Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng cuộc đua tăng lãi suất huy động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đua tăng lãi suất huy động đang trở thành vấn đề “nóng” trong hệ thống ngân hàng (NH). Lãi suất quay đầu tăng sẽ là nỗi lo không nhỏ cho những người có nhu cầu vay vốn.

Rút nơi thấp gửi vào chỗ cao

Việc các NH đua nhau tăng lãi suất và áp dụng các hình thức tặng lãi suất, tặng quà khủng đã gây ra sự xáo trộn nhất định trong hệ thống và cả các khách hàng. Trong tuần qua, có nhiều khách hàng đến kỳ đáo hạn sổ đã rút tiền từ NH có lãi suất thấp sang gửi ở NH có lãi suất cao. Cùng kỳ hạn nhưng lãi suất chênh lệch tới cả 1%/năm, hiếm có khách hàng nào không suy tính.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á, chi nhánh Hà Nội. 	Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Anh Trần Anh Minh (Đống Đa) có khoản tiền 2 tỷ đồng cho biết, việc đổi NH để gửi tiền vô cùng đơn giản vì anh chỉ cần nêu yêu cầu, NH mới sẽ cho xe ô tô đến lấy tiền, làm sổ sẵn, anh chỉ việc ký tên, nhận sổ ở ngay quầy NH cũ, còn mọi việc đều có nhân viên NH mới lo. Anh Trần Trung Kiên, ở Hai Bà Trưng vừa rút 500 triệu đồng từ phòng giao dịch của một NH trên đường Bạch Mai cho biết, anh rút để gửi vào một NH khác với lãi suất tới 8% kỳ hạn 12 tháng. "Cứ tìm NH có lãi suất huy động cao mà gửi" - anh chia sẻ. Chính điều này tạo nên sự lo lắng về một cuộc đua lãi suất huy động, bởi khó có NH nào có thể đứng yên trước việc khách hàng ồ ạt rút tiền đổi sang NH khác.

Việc tăng lãi suất huy động ngoài hệ lụy tạo ra sự mất ổn định trong hệ thống còn tạo ra mối lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ tăng, đánh mạnh vào sức cạnh tranh của DN vốn dĩ đang khá yếu ớt. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Hoàng Hiếu cho biết, từ năm 2015, DN này phải chịu lãi vay 10 - 11%/năm. DN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống 8 - 9%/năm trong năm 2016, nhưng với diễn biến như hiện nay, khó có thể hy vọng vào điều này. Thông thường, NH sẽ cộng thêm khoảng 4% vào lãi suất huy động để tính lãi cho vay. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn hiện đã cao hơn 0,5 - 0,7%/năm.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thương mại TNG cho biết, nhiều DN đang phải tính chuyện đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh đón đầu các quy định về hội nhập. Nếu đầu tư trung, dài hạn mà DN phải vay vốn ngắn hạn thì rủi ro sẽ rất lớn, đặc biệt đáng lo ngại là lãi suất mà DN Việt Nam phải chịu hiện đang cao gần gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc…

Nếu đua quá nóng phải siết lại

Chính phủ đã đưa ra thông điệp, năm nay, ngành NH cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sức cạnh tranh cho DN. Tuy nhiên, sau Tết, xu hướng lãi suất tăng vẫn tiếp tục. Các NH như Eximbank, SeABank, OCB đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới cho kỳ hạn dài (từ 13 tháng trở lên) lên tới 8 - 8,2%/năm, thậm chí NH Việt Á sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm. Hiện, cuộc đua lãi suất của các NH vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng.

Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, năm 2016 vẫn là năm khó khăn với nhiều áp lực; trong đó có áp lực từ hội nhập kinh tế quốc tế. Cần phải có lộ trình phù hợp để dòng tín dụng chảy được vào nền kinh tế. Nếu những diễn biến hiện nay trên thị trường không được xem xét và xử lý một cách nghiêm túc, cam kết này sẽ khó có thể trở thành hiện thực. Thời gian tới cần theo dõi sát diễn biến, nếu NH nào vượt rào, lách quy định phải xử phạt thật nghiêm. Ông Kiêm cũng nhận định, mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn còn ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực. Do đó, giải pháp cho các DN trong tình hình hiện nay là được “cởi bỏ” các rào cản liên quan đến cơ chế, chính sách để DN có thể tự nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đầu tuần này các NH tiếp tục tăng lãi suất huy động. Theo thống kê, hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 4,5 - 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 5,4 - 6,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm, thậm chí có NH áp lãi suất các kỳ hạn dài lên tới 8 - 8,38%/năm.