Nông dân chật vật xoay xở dưới nắng nóng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Nông dân trên địa bàn Hà Nội phải xoay xở nhiều giải pháp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại.

Muôn kiểu chống nóng
Canh tác hơn 1ha rau ăn lá, những ngày vừa qua, anh Vương Sỹ Thành, ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai phải tất bật chống nóng cho rau màu. Để xoa dịu cái nắng gay gắt, ngoài nhà lưới đã căng trước đó, anh Thành còn đầu tư thêm một lớp lưới đen căng bên dưới, giúp giảm thiểu ánh nắng trực tiếp của mặt trời làm cháy lá rau và giữ độ ẩm cho đất. Bên cạnh đó, thay vì tưới một lần như trước, nay anh chủ động tưới nước đẫm về chiều tối và sáng sớm. “Thời tiết nắng nóng làm rau cháy lá và chậm lớn. Do đó, tôi chấp nhận bỏ thêm chi phí làm nhà lưới để giảm tối đa thiệt hại” – anh Thành chia sẻ.
 Nông dân huyện Thạch Thất gặt lúa vào ban đêm để tránh nắng nóng. Ảnh: Ngọc Tú
Cũng chọn giải pháp căng lưới đen để hạn chế ánh nắng trực tiếp, anh Phạm Như Quỳnh – hộ chuyên sản xuất bưởi cảnh ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức còn cẩn thận trang bị thêm một lớp “áo giáp” cho từng quả bưởi. “Đối với bưởi cảnh, ngoài thế cây ra thì mã quả rất quan trọng. Do đó, những ngày này, chúng tôi phải chăm cây như chăm con mọn, từ chế độ dinh dưỡng tới tưới nước. Để quả không bị hấp hơi, sinh ra nấm bệnh, tôi bọc túi giấy một nửa quả” – anh Quỳnh chia sẻ.

Không chỉ ảnh hưởng tới cây trồng, nắng nóng cũng tác động mạnh tới chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi điều kiện chuồng trại thô sơ, không đảm bảo chống nóng cho vật nuôi. Ở một số trang trại chăn nuôi khép kín, hệ thống làm mát hoạt động hết công suất.

Là chủ một trang trại gần 2ha nuôi cá, ông Lê Văn Tín, ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa ăn ngủ không ngon vì lo cá chết. Ông cho biết, nước ao, hồ quá nóng có thể khiến tôm, cá chết hàng loạt do thiếu oxy và mắc bệnh xuất huyết da. Ngoài cho máy quạt nước tạo oxy chạy cả ngày và đêm, ông Tín còn thả thêm bèo và lá cây làm chỗ trú mát cho cá. Ngoài ra, ông chủ động bơm thêm nước giếng khoan vào ao, nâng mực nước từ 1,5 lên 2m, làm mát ao nuôi.

Chủ động sản xuất, giảm thiểu thiệt hại

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trước tình hình nắng nóng, ngành nông nghiệp đã khẩn trương kiểm tra, khuyến cáo các địa phương và nông dân chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiệt hại thấp nhất cho sản xuất nông nghiệp. Tính tới thời điểm này, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP chưa bị thiệt hại nhiều do nắng nóng. Sau khi thu hoạch xong lúa Xuân, các địa phương sẽ bắt tay ngay vào làm đất để gieo cấy vụ mới.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chăn nuôi, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, chi phí sản xuất sẽ tăng cao và năng suất giảm, nguy cơ dịch bệnh dễ bùng phát. Điều đáng lo ngại nhất đối với các trang trại chăn nuôi tập trung trong mùa nắng nóng là nguồn điện phải được duy trì đảm bảo giữ mát cho khu chuồng trại.

Ở góc độ địa phương, các huyện cũng tăng cường triển khai kiểm tra, khuyến cáo tới nông dân. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền cho bà con chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng cho vật nuôi, thường xuyên ra đồng chăm sóc rau màu. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các địa phương thống kê tổng đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản, đề phòng trường hợp xảy ra thiệt hại do nắng, nóng kéo dài, để có phương án hỗ trợ kịp thời.

"Nắng nóng khiến người nông dân thiệt đơn, thiệt kép. Ngoài áp lực về năng suất, giá cả, dịch bệnh, người nông dân còn phải chịu thêm gánh nặng về chi phí chống nóng, điện sản xuất tăng. Do đó, để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn hiện nay, chúng tôi mong muốn ngành điện lực có cơ chế riêng, giảm giá điện sản xuất cho nông dân trong đợt nắng nóng này." - Ông Nguyễn Duy Toản - hộ chăn nuôi gà ở xã An Viên, huyện Ứng Hòa