Ngay phần mở đầu, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thẳng thắn: Vì sao chính sách thu mua, tạm trữ chưa mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân? Tiếp đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, chính sách tạm trữ lúa gạo hiện là giải pháp tình thế và đề nghị Bộ trưởng có những giải pháp căn cơ hơn. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế hộ gia đình hiện nay không còn là thế mạnh nữa, mà cần mở rộng các trang trại theo hình thức thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ đất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.
|
Trả lời câu hỏi của ĐB về chính sách tạm trữ chưa đem lại hiệu quả cho ngành lúa gạo, Bộ trưởng giải thích việc thu mua lúa gạo tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế. "Có ĐB hỏi tại sao chúng ta lại cứ phải sử dụng giải pháp tình thế. Không phải năm nào cũng sử dụng giải pháp này. Mà chỉ khi nào người trồng lúa không đảm bảo có lãi 30% như mục tiêu đã đề ra thì mới sử dụng để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu". Bộ trưởng cũng cho rằng phải tổ chức lại sản xuất, bởi đa phần nông dân sản xuất lúa manh mún và đã đến lúc doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân. Bộ trưởng đánh giá mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang là một bài toán hiệu quả. Mô hình cánh đồng lớn không chỉ áp dụng trong sản xuất lúa gạo mà đang thí điểm nhân diện rộng với các loại sản phẩm khác.
Nêu lên thực trạng hiện 70% người làm nông nghiệp phải chịu tác động của thiên tai, được mùa lại mất giá, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, đồng thời cho biết bao giờ người dân sẽ thoát khỏi tình trạng này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, với tư cách là người được Chính phủ, Quốc hội giao để lo cho dân thì mình cũng có trách nhiệm. "Khi nào chúng ta cũng mong được mùa nhưng do thiên nhiên, và do thị trường, không chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước, chúng ta phải luôn luôn điều chỉnh, phải phụ thuộc tình thế, không thế không có định lượng ổn định mãi mãi. Do đó, luôn phải bám sát, chỉ đạo sát sao để người dân có lợi nhất…" - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, chủ trương tái cấu trúc nông nghiệp là hướng đi đột phá của ngành và các chuyên gia nhận định thời điểm triển khai là chậm, lẽ ra phải thực hiện vào năm 2005, như vậy là chậm 8 năm.