Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân thấp thỏm chờ cà phê tăng giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Sơn La, người trồng và sản xuất cà phê chủ yếu bán ra thị trường tự do cho các thương lái và một vài công ty sản xuất nhỏ.

Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn có diện tích trồng cà phê lớn nhất tỉnh, với hơn 1.000 ha. Cây cà phê được xã lựa chọn là cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Vào thời điểm này tình hình giá cả cà phê rất bấp bênh,  nên nhiều hộ gia đình tại đây đã phải đầu tư mua máy sơ chế để tự chế biến cà phê, vì khi cà phê thu hái về mà không được chế biến sẽ bị thối, không để lâu được. Còn nếu không bán quả tươi thì với giá cả bấp bênh như hiện nay thì người dân sẽ thua lỗ nặng.

Ông Cà Văn Hặc, Bản Noong Nưa, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Thời kỳ năm ngoái giá cà phê khô được 25-26 nghìn/kg, như hiện tại với giá 5 nghìn/kg tươi thì cà phê khô chỉ khoảng 20 nghìn/kg. Bà con rất lo cho cây cà phê này, không biết có bền vững hay không, vì giá cả rất thất thường, lúc được lúc không”.

Đến vụ cà phê bắt đầu chín, song gia đình bà Nguyễn Thị Dần ở bản tái định cư Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La mới chỉ dám thu hái dè dặt và không dám thuê người hái như mọi năm. Giá cà phê đầu vụ chỉ có 3.000 đồng một kg, nay đã nhích lên 5.000đ một kg quả tươi. Tuy nhiên, công thuê hái đã là 2.000đ một kg. Giá bán ra thấp chưa bằng 1/2 năm ngoái nên bà Dần cũng như nhiều hộ khác trong bản không khỏi lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Dần, Bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La chia sẻ: “Công thu rẻ quá, không dám thu, không dám thuê người. Mỗi cây cà phê là cây nông nghiệp chính thôi. Cảm thấy rất là lo lắng, không đủ tiền phân”.

Tại Sơn La, người trồng và sản xuất cà phê chủ yếu bán ra thị trường tự do cho các thương lái và một vài công ty sản xuất nhỏ. Cà phê Abrica của Sơn La được đánh giá có chất lượng ngon nổi tiếng trong nước, song đầu ra ổn định cho cây cà phê vẫn là bài toán khó trong nhiều năm qua.

Bà Cầm thị Phong, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La nói: “Riêng với cây cà phê  ngành đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 112 ngày 10/9 về hỗ trợ trồng cà phê bền vững tại 3 huyện Mai Sơn, thành phố và Thuận Châu. Đồng thời với đó thì ngành cũng giao cho hệ thống khuyến nông tổng hợp các cái số liệu để chính sách có thể vào được với người trồng cà phê. Song song với đó, ngành chỉ dạo hệ thống khuyến nông tập huấn cho bà con để khắc phục những hạn chế trong sản xuất cà phê như là chăm sóc không đúng quy trình, không được đốn tỉa, hái không đúng quy trình. từ đó nâng cao chất lượng cà phê”.

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng trên 10.000 ha cà phê. Tuy nhiên, do giá cà phế thế giới lên xuống thất thường khiến cho người dân trồng cà phê ở địa phương chưa được hưởng niềm vui được mùa. Họ vẫn từng ngày phấp phỏng lo âu chờ cà phê tăng giá.