Năng suất, chất lượng giảmSáng 1/1, dưới cái rét cắt da cắt thịt, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh vẫn xuống đồng từ sớm, tất bật thu hoạch những luống rau mồng tơi. Vừa nhanh tay buộc những mớ rau, chất lên xe để mang ra chợ, chị Hà vừa than thở: “Trời rét khiến rau màu phát triển chậm. Nhưng đáng lo hơn là rau ngả sang màu vàng úa khiến giá bán thấp hơn từ 10 - 20%”. Theo chia sẻ của nhiều nông dân trồng rau màu tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm... giải pháp nhiều năm qua bà con áp dụng để phòng chống rét cho cây trồng là che phủ nilon và cấp bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ giúp hạn chế thiệt hại, chứ năng suất và chất lượng vẫn bị giảm sút.
Hộ bà Trương Thị Thuận, ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì chủ động bổ sung lượng thức ăn cho trâu bò và không chăn thả trâu bò khi trời mưa rét. Ảnh: Ánh Ngọc |
Mấy ngày nay, hộ anh Lê Văn Trẻo, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cũng bận rộn hơn khi phải túc trực chống rét cho 6.000 con vịt đẻ và hơn 2ha ao nuôi cá thương phẩm. Anh Trẻo cho hay, nền nhiệt giảm sâu nên năng suất đẻ trứng của đàn vịt cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, mấy ngày rét đậm vừa qua, sản lượng trứng vịt anh Trẻo thu được chỉ đạt khoảng 4.000 quả, giảm 20% so với điều kiện thời tiết bình thường. Đối với ao nuôi thủy sản, nhiệt độ xuống thấp cũng khiến đàn cá chậm phát triển.Đợt rét đậm, rét hại diễn ra cũng ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc trên địa bàn Hà Nội. Theo một số chủ trang trại và hộ chăn nuôi, trời rét còn khiến việc gia cố chuồng trại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi che chắn chuồng trại quá kín dễ khiến không khí khó lưu thông, ảnh hưởng tới hô hấp của đàn lợn. Trong khi đó, đàn lợn lại dễ ốm vì nhiễm lạnh nếu chuồng trại không kín gió.Chủ động bảo vệ cây trồng, vật nuôiĐể chống rét cho đàn bò sữa của gia đình, anh Đào Bá Quân, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm đã đầu tư mua thêm hàng trăm mét vuông bạt nứa quây kín chuồng trại chống rét cho đàn bò sữa 10 con. Cùng với che chắn chuồng trại, anh Quân còn bổ sung thêm lượng thức ăn tinh, nước uống ấm cho đàn bò để vật nuôi có đủ năng lượng giữ ấm cơ thể. Tại các vùng nuôi thủy sản ở Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên…, nhờ vào kinh nghiệm và kiến thức được trang bị nên hầu hết các hộ nuôi trồng đều thiết kế ao nuôi đáp ứng yêu cầu mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông như độ sâu 2,5m, lắp đặt quạt oxi tạo luồng nhiệt giữ ấm cho cá... Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, để chống rét cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu mùa Đông, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ thuộc các xã miền núi đã thực hiện tốt các phần việc quen thuộc như: Che chắn chuồng trại, chuẩn bị chất đốt để sưởi ấm cho trâu bò; dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn thô. Nhờ những biện pháp này, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào bị thiệt hại do rét đậm gây ra.Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để chủ động phòng chống rét, dịch bệnh cho vật nuôi, Sở đã chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn gia cố chuồng trại, giữ nền chuồng khô ráo, độn chuồng bằng rơm rạ, mùn cưa; không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống dưới 13oC. Đồng thời, theo dõi vật nuôi hằng ngày, nếu vật nuôi có dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở can thiệp kịp thời.
"Người chăn nuôi nên áp dụng các biện pháp che chắn chuồng trại và cung cấp nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi như thắp đèn, ủ trấu, đốt lửa. Đối với gia súc, cần bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, cháo nóng, các loại vitamin, khoáng chất. Đối với gia cầm, cho ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn năng lượng cao…" - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn |