Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản an toàn miền Bắc “đổ bộ” về Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/9, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức khai mạc Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn, đặc sản Bắc Bộ tại Hà Nội. Tuần lễ diễn ra từ 9 – 15/9 tại 128 điểm trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội.

Tại địa điểm chính trong Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội có 80 gian hàng tiêu chuẩn, trong đó có 30 gian hàng trưng bày nông sản thực phẩm an toàn có dán tem QR code truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời có bố trí quầy tư vấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng kỹ năng truy xuất nguồn gốc cơ sở sản xuất và sản phẩm thông qua Hệ thống minh bạch thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn.
Nông sản an toàn Bắc Bộ được giới thiệu tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Nông sản an toàn Bắc Bộ được giới thiệu tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Theo Ban Tổ chức, tổng số có hơn 1.500 sản phẩm tham gia Tuần lễ gồm gạo, trái cây, rau, quả, chè, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, sản phẩm chế biến. Các đơn vị, HTX của Hà Nội tham gia Tuần lễ với các sản phẩm đặc trưng như: Gạo Bồ Nâu, gạo Bối Khê, gạo nếp cái hoa vàng, nhãn chín muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức… Điểm nổi bật của Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn, đặc sản Bắc Bộ tại Hà Nội là các sản phẩm được bán trong Tuần lễ có dán tem QR code để nhận diện, truy xuất nguồn gốc bằng smartphone.

Cũng trong khuôn khổ chương trình khai mạc còn diễn ra hội thảo chia sẻ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất an toàn. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Đỗ Hoàng Thạch, hiện nay các DN tham gia vào sản xuất, phân phối thực phẩm an toàn của Hà Nội gặp một số khó khăn về cơ chế chính sách, đất đai, nguồn vốn… “Hiện nay chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra sự liên kết giữa DN của Hà Nội với DN của các địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế” – ông Đỗ Hoàng Thạch chia sẻ.