Tiềm năng lớn
Hiện nay, Quảng Ninh có 8 cơ sở với 3 sản phẩm gồm chả mực, hàu Thái Bình Dương, miến dong được trực tiếp đưa vào tiêu thụ tại 60 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Những sản phẩm này đều nằm trong chương trình xây dựng thương hiệu hoặc đề án “Tỉnh Quảng Ninh – mỗi xã, phường một sản phẩm” và 100% sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Ông Nguyễn Văn Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, hầu hết số cơ sở chế biến thủy sản của Quảng Ninh có sản phẩm tiêu thụ tại Hà Nội đều xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP) và thực hiện kiểm soát tại cơ sở. Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội, Sở NN&PTNT Quảng Ninh còn tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình VietGAP, GMP, HACCP đảm bảo ATTP. Đồng thời tổ chức kiểm tra, xếp loại, giám sát vào tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các DN.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa giai đoạn 2014 – 2016, hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong đó có 6 vùng trồng trọt tập trung với diện tích gần 30.000ha tại 10 huyện, thị xã như Đông Triều, Quảng Yên, TP Hạ Long, Cẩm Phả… Về chăn nuôi, hình thành 3 vùng sản xuất tập trung diện tích gần 3.000ha, thủy sản có 6 vùng sản xuất tập trung… Đây là những vùng sản xuất hàng hóa có nhiều tiềm năng cung cấp sản lượng lớn nông, lâm, thủy sản phong phú, đa dạng cho thị trường trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Gia tăng kết nối
Một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh là mặt hàng thủy sản với thương hiệu chả mực Hạ Long đã được biết đến rộng rãi và được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận. Ngoài ra, với diện tích 21.000ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nước mặn, Quảng Ninh còn có nhiều loại thủy hải sản khác như tôm, ghẹ, hàu, hà, ngao… Ước tính sản lượng thủy sản hàng năm của tỉnh đạt khoảng 42.000 tấn, trong đó nhuyễn thể chiếm 35%. Theo đại diện Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh, nhiều loại thủy sản được nuôi trong môi trường tự nhiên, đảm bảo ATTP, song việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, tỉnh tồn hàng trăm tấn hàu nên giá bán tại vùng nuôi rất rẻ, chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg...
Tại buổi làm việc mới đây của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội với Sở NN&PTNT Quảng Ninh, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận về vấn đề thắt chặt hợp tác giữa hai địa phương. Ông Nguyễn Bá Bằng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của thị trường Thủ đô là rất lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm muốn đưa vào siêu thị tại Hà Nội phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, tem nhãn mác đúng quy định.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng đề nghị hai địa phương cần tăng cường phối hợp, kết nối tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản an toàn từ Quảng Ninh về Hà Nội. Đối với tỉnh Quảng Ninh, cần tuyên truyền cho các hộ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đảm bảo ATTP tới tay người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng an toàn, có chương trình giám sát bài bản, xử lý nghiêm các vi phạm. Ông Tiệp đặc biệt lưu ý, tỉnh Quảng Ninh cần hoàn thiện chuỗi cung ứng để xác nhận sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Đóng gói chả mực tại cơ sở Minh Phúc, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Thiện
|