Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng tranh luận về tội kinh doanh trái phép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/12, ngày thứ 2, TAND Tối cao mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên...

Kinhtedothi - Ngày 1/12, ngày thứ 2, TAND Tối cao mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm phạm tội "kinh doanh trái phép", "trốn thuế", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại phiên xét xử này, HĐXX đã tiến hành xét hỏi Nguyễn Đức Kiên liên quan đến 4 tội danh mà bị cáo này đã bị tòa án sơ thẩm tuyên trước đó. Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Kiên trình bày về cả 4 tội danh đã bị kết án tại bản án sơ thẩm. “Mặc dù hơi dài nhưng tôi mong cho tôi trình bày đầy đủ cả 4 nội dung vì bản án 30 năm với người không phạm tội là quá dài” – bị cáo Kiên nói.

 
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên toà sáng 1/12.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên toà sáng 1/12.
Đối với tội danh “kinh doanh trái phép”, bị cáo Kiên cho biết, tất cả các khoản đầu tư góp vốn của 5 công ty mà mình lập ra đều được các tỉnh và TP cấp phép. Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc và đến ngày phiên tòa phúc thẩm được mở chưa có bất kỳ cơ quan Nhà nước nào tuyên phải thu hồi giấy phép của các công ty trên. Hiện, các công ty vẫn hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu bình thường. Theo bị cáo Kiên, việc 5 công ty thành lập và góp vốn là hợp pháp, hợp lệ và đúng pháp luật. Tất cả các công ty do bị cáo Kiên thành lập  ngay từ đầu không tạo ra bất kỳ mâu thuẫn nào cho phía đối tác và 5 công ty này vẫn đang hoạt động và đóng góp tốt cho xã hội. Việc các công ty này được thành lập có vốn của các cổ đông lớn (số vốn lớn nhất lên tới 3.200 tỷ đồng và là tiền mặt) nên không thể nói đó là “công ty ma”. Dựa vào lập luận này, bị cáo Kiên đề nghị HĐXX phúc thẩm không tuyên bị cáo tội “kinh doanh trái phép”.

Sau khi nghe bị cáo Kiên trình bày, HĐXX đề nghị Công ty CP  Đầu tư Thương mại Nhà Rồng, Công ty CP Xi măng Hòa Phát, Công ty CP Hàng hóa Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam, đại diện Công ty CP Đầu tư AFG, ACI, ACI HN và Công ty CP Đầu tư ACB, VietBank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Dệt may Phố Nối… xác nhận các số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư tại 5 công ty của bị cáo Kiên, cụ thể là ACI. Theo đó, các đơn vị xác nhận số liệu đầu tư mà HĐXX đưa ra là đúng.

HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Kiên về mục đích của các hoạt động mua trái phiếu ngân hàng, mua cổ phần của công ty khác đang tồn tại trên thị trường và phát hành trái phiếu DN. Trả lời câu hỏi này, bị cáo Kiên cho biết, việc mua trái phiếu của ACB để là chủ sở hữu của ACB trong lâu dài. Việc phát hành trái phiếu là huy động vốn chứ không phải đầu tư. Còn các khoản mua cổ phiếu trên sàn không thực hiện được do các công ty này không bán cho đến khi bị cáo bị bắt.

Cũng tại phiên xét xử này, nhiều luật sư đã đặt câu hỏi với một số bị cáo nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung hoặc từ chối trả lời. Do vậy, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX yêu cầu những người có quyền và nghĩa vụ liên quan khi từ chối trả lời phải có lý do chứ không phải thích thì trả lời, không thích thì thôi.

HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng của ACBI) làm rõ một số nội dung: Ai chỉ đạo bị cáo sang Techcombank nhận 6 triệu cổ phiếu của Techcombank? Số tiền 800 tỷ đồng phát hành trái phiếu của ACB, dùng mua cổ phiếu của ngân hàng thương mại có đúng không? Khi phát hành rồi lại không dùng vào việc này, mà chỉ dùng 82 tỷ đồng mua cổ phiếu của Eximbank, không đúng mục tiêu ban đầu. Bị cáo báo cáo việc này với ai? Bị cáo Yến trả lời: Người chỉ đạo là ông Nguyễn Đức Kiên. Việc phát hành trái phiếu của ACB dùng mua cổ phiếu ngân hàng thương mại là đúng. Việc khi phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu gồm 2 nội dung là công bố trên báo có ghi rõ đầu tư tài chính và đầu tư dài hạn góp vốn vào đơn vị. Nhưng trong cáo bạch chỉ ghi là đầu tư vào ngân hàng. Nghĩa là trên báo và cáo bạch có khác nhau. Bị cáo Yến có báo cáo với ông Nguyễn Đức Kiên.

Ngày 2/12, Tòa tiếp tục làm việc.