Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng vấn đề thực phẩm và bộ máy hành chính

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội ...

Kinhtedothi - Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Hai chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 nhận được  sự đồng tình của nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội.

Dân quá khổ với thực phẩm bẩn

Thẳng thắn chỉ ra những lo lắng của cử tri trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, VSATTP, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Nên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, bởi đây là vấn đề bức xúc đã đi đến đỉnh điểm, đang hủy hoại chất lượng cuộc sống con người. Việc giám sát này cũng là điều kiện để chúng ta đánh giá lại các cơ quan chức năng thực hiện những kiến nghị của Quốc hội như thế nào.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, thời gian qua, việc giám sát chủ yếu vẫn chỉ là khen nhau, ít chỉ ra sai phạm, việc tiếp thu xử lý không theo bám đến cùng, thực hiện đến đâu? Cho nên Quốc hội cần ưu tiên giám sát về VSATTP bởi “người dân đã quá khổ về thực phẩm bẩn”. ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu: Tất cả các khâu từ tiêu thụ, chế biến đều có vấn đề khiến người dân bất an. Có 3 Bộ chủ chốt liên quan đến vấn đề này là Y tế, NN&PTNT, Công Thương nhưng quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung, đầu mối chỉ đạo, nên chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa làm rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân.

Cán bộ biến chất là nguyên nhân

Đồng tình với việc cần giám sát về vấn đề cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) chỉ ra một thực tế, nếu chúng ta có một bộ máy trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì không có những sự sai sót trong thời gian vừa qua. Để dân ăn bẩn, bị ô nhiễm môi trường là do bộ máy quản lý kém.

“Bây giờ ngoài ăn của dân không từ một cái gì, còn bán không từ một cái gì từ giấy lưu hành thực phẩm cho đến giấy chứng nhận thực phẩm. Năng lực của cán bộ không hề kém, nhưng vì có lợi ích chi phối nên làm ngơ để xả thải chất độc ra môi trường, để hàng giả lộng hành. Cho nên cần xem lại bộ máy để quy trách nhiệm cá nhân, không thể để dưới đổ trên, trên đổ xuống dưới, cứ loanh quanh cuối cùng không xử lý được trách nhiệm. Không thể để dân đóng thuế để nuôi bộ máy, nhưng bộ máy lại không hoàn thành nhiệm vụ” - ĐB Bùi Văn Phương chỉ rõ.

 ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng cho rằng: Nếu công chức tốt, bộ máy không có phiền hà thì không có việc xả thải ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung, không có việc phá rừng diễn ra nghiêm trọng, không có việc cấp khống giấy chứng nhận thủy sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân điêu đứng. “Nói về VSATTP, Bộ trưởng Bộ Y tế đi kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống sạch ở một địa phương, các nơi khác đã được mật báo và đóng cửa hết. Vậy, bộ máy chính quyền làm gì? Cái gì cũng không biết, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Cái gì cũng nói đúng quy trình” - ĐB Cương đưa ra một loạt các nguyên nhân. Và theo ông, cán bộ là nguyên nhân của những vấn đề nóng. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề này ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ làm tinh gọn bộ máy, loại bỏ được những cán bộ yếu kém thoái hóa.

Ngày 27/7, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Đề xuất cơ cấu Chính phủ giữ nguyên 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm 2016 - 2021. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn giữ như Khóa XIII gồm 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Hôm nay (26/7), Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ; trình nhân sự và tiến hành bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.