Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Nóng” việc để quảng cáo tràn lan thực phẩm không đảm bảo chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là vấn đề được đại biểu HĐND TP đặt câu hỏi tại phiên chất vấn chiều nay (5/12) về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP tại chợ Thành Công.
Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP tại chợ Thành Công.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, công tác quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), TP đã ban hành nhiều văn bản về vấn đề này. Trong 11 tháng năm 2013, TP đã tổ chức hơn 700 lượt đoàn thanh tra công tác vệ sinh ATTP, đình chỉ 7 cơ sở sản xuất vi phạm… Việc kiểm tra ATTP sẽ tiếp tục được duy trì và thường xuyên thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh được người tiêu dùng ưa chuộng, phối hợp chặt chẽ liên ngành để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đồng thời, thông báo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng về những trường hợp vi phạm để nhân dân biết. Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo điều hành đặc biệt trong dịp cao điểm lễ tết, lễ hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kết quả thực hiện việc hình thành các chuỗi cửa hàng liên kết thực phẩm sạch. Về phát triển mạng lưới RAT, đến nay trên địa bàn thành phố có 85 điểm liên kết bán RAT, tập trung chủ yếu là các quận nội thành, được người tiêu dùng tin tưởng, tin dùng, 76 điểm phân phối và 40 siêu thị, đảm bảo cung cấp rau an toàn cho người dân Thủ đô.
ĐB Đỗ Trung Hai chất vấn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
ĐB Đỗ Trung Hai chất vấn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chất vấn tại hội trường, các đại biểu đã đặt câu hỏi về tình trạng thực phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan, nhiều đồ ăn của học sinh ở cổng trường rất mất vệ sinh, rau quả, thịt cá nhiễm thuốc… thuốc nhập ngoại không rõ nguồn gốc, nhiều người mắc bệnh ung thư, vô sinh xuất phát từ ăn uống, ảnh hưởng tới sức khỏe và giống nòi; vấn đề vệ sinh ATTP; trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc để quảng cáo tràn lan những thực phẩm không đảm bảo chất lượng trên phương tiện thông tin đại chúng;cơ quan chuyên môn quản lý hàng bán trong chợ cóc như thế nào....?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, các ngành triển khai tích cực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là tại các trường học, các khu công nghiệp… Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.
“Nóng” việc để quảng cáo tràn lan thực phẩm không đảm bảo chất lượng - Ảnh 1
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP.
Đối với thực phẩm chức năng, TP đã chú trọng quản lý tình hình nhập khẩu, lưu thông. Về ý kiến công bố sản phẩm hợp quy, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, ông Hiền cho biết, năm 2013 cấp được 3.233 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 18.400 cơ sở đủ điều kiện, TP cấp mới 551 giấy chứng nhận đủ điều kiện; 996 giấy chứng nhận cấp quận, huyện, thị xã; 2.186 giấy chứng nhận cấp mới ở cấp xã, phường; 188 giấy chứng nhận trong kinh doanh thủy sản. Về chuyên trang chuyên mục, đã phối hợp chặt chẽ với đài truyền hình, báo Hànộimới, báo Kinh tế & Đô thị tuyên truyền rộng rãi. Trang thông tin của Sở Y tế thường xuyên công bố, cập nhật các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP và cơ sở vi phạm.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng,  Sở đã cấp được 220 giấy phép sản xuất, 158 giấy phép kinh doan. Lĩnh vực quản lý thị trường, Sở Công Thương là cơ quan thường trực 127 của TP phối hợp với các cơ quan liên quan đã nêu khẩu hiệu về vấn đề vệ sinh ATTP trong năm 2012, 2013 và 2014. Trong công tác kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 1.209 vụ, với tổng số tiền phạt hành chính trên 5 tỷ đồng. Đối với các chợ đầu mối có các đội liên ngành thường trực để kiểm tra và xử lý sai phạm về vấn đề ATTP…

Vấn đề quảng cáo tràn lan những thực phẩm không đảm bảo chất lượng trên phương tiện thông tin đại chúng, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Xuân Quang giải trình: “Việc quản lý nhà nước lĩnh vực quảng cáo do Bộ Thể thao - Văn hóa và Du lịch. Tuy nhiên, phương thức quảng cáo hầu hết thông qua phương tiện là truyền hình, trang mạng… thì do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép. Mặt khác nội dung của quảng cáo một số sản phẩm hàng hóa do cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm như: Thuốc do Bộ Y tế quản lý, hàng giả hàng nhái do lực lượng quản lý thị trường - Bộ Công Thương quản lý… Do các Sở thông tin Truyền thông chưa được cấp phép quản lý…”.

Ngay sau phần trả lời của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT), ĐB Lê Văn Hoạt đề nghị Phó Giám đốc Sở nói rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở làm được gì trong việc quản lý phần quảng cáo ĐB đã nêu trên hoặc đã tham mưu gì cho UBND TP, nếu như trả lời ở trên thì Sở chưa làm gì về lĩnh vực quảng cáo này.

Phó Giám đốc Sở TTTT giải trình, Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, cùng với đó Luật Báo chí có quy định quảng cáo trên phát thanh truyền hình… ngoài ra, nghị định của Chính phủ cũng quy định quản lý cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng với hình thức báo điện tử tuân theo quy định của pháp luật báo chí về các sản phẩm quảng cáo. Thời điểm này, Bộ TTTT đã có Thông tư 151, 159/2013 về việc Chính phủ quy định xử phạt đến ngày 1/1/2014 mới có hiệu lực.

Chủ tọa kỳ họp đặt vấn đề: “Người dân thì tin vào quản lý nhà nước của các cấp, các ngành còn các cơ quan đó do nhà nước quản lý. Vậy thông tin quảng cáo trên truyền hình, trên báo về thực phẩm, về thuốc, sữa không đúng thì không ai chịu trách nhiệm!? Tôi thấy người dân, trong đó có tôi rất tin vào quảng cáo trên đài truyền hình, trên báo và cũng rất tin các cơ quan nhà nước trong việc cấp phép các quảng cáo. Nếu quảng cáo sai thì ai chịu trách nhiệm?”

Theo Phó Giám đốc Sở TTTT thì việc chịu trách nhiệm này là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

 
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh kết luận phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND TP.
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh kết luận phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND TP.
Kết luận nội dung chất vấn văn hóa, dân sinh, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá: “Với 8 lượt tái chất vấn, phần tham gia của Phó Chủ tịch UBND TP và 3 lãnh đạo các sở liên quan làm rõ. Tuy nhiên, vẫn có ĐB chưa thỏa mãn nhưng đã đánh giá được thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Chủ tịch HĐND TP đề xuất 6 giải pháp để giải quyết: Cần quan tâm nhiều hơn đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, báo chí cần có chuyên trang, chuyên mục; cần sự phối hợp chặt chẽ hơn dưới sự điều hành của UBND TP trong sự phối hợp giữa các ngành; việc sắp xếp bố trí các điểm kinh doanh ở gần trường học; tăng cường mở rộng diện tích trồng RAT; tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch; cùng với tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan gắn với trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh để cùng vào cuộc vì ATTP rất thiết thực.

Nhận định về phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND TP, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng: “Phiên chất vấn hôm nay có 30 ĐB với 36 lượt nêu câu hỏi tái chất vấn. Có thể nói, phiên chất vấn diễn ra trong không khí rất tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm; cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đều rất thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng; câu hỏi chất vấn tập trung vào những vấn đề được cử tri quan tâm, trả lời chất vấn cơ bản đúng trọng tâm, nêu rõ được giải pháp, địa chỉ, thời gian giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn một số câu trả lời chưa đáp ứng được đầy đủ, thỏa mãn được đại biểu chất vấn". Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết có hiệu quả các nội dung đã trả lời chất vấn trong kỳ họp này.