Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc và những năm tháng không quên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 40 năm qua, ký ức về những ngày tháng sát cánh cùng đồng đội trong Tiểu đoàn Trưng Trắc tham gia phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí bà Ngô Thị Tuyết (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Hành trình vào chiến trường

Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Đảng, hơn 500 nữ thanh niên thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) đã xung phong lên đường nhập ngũ về tiểu đoàn có tên gọi Tiểu đoàn Trưng Trắc. Đây là tiểu đoàn đầu tiên ở miền Bắc và duy nhất được mang tên người nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Sau 3 tháng huấn luyện, Tiểu đoàn nhận được lệnh hành quân vào chiến trường và bổ sung cho các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Tiểu đoàn Trưng Trắc chuẩn bị lên đường giải phóng miền Nam (ảnh tư liệu).
Tiểu đoàn Trưng Trắc chuẩn bị lên đường giải phóng miền Nam (ảnh tư liệu).
Bà Ngô Thị Tuyết vẫn nhớ như in ngày 5/6/1971, trên khắp các ngả đường, dòng người nô nức đổ về xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai để “hội quân”. Sau khi được phát quân trang và những nhu yếu phẩm, toàn thể chị em được biên chế thành một tiểu đoàn, gồm 4 đại đội, mỗi huyện, thị xã được biên chế thành một trung đội. Sau đó các nữ chiến sĩ trở về Hòa Nam, Hòa Phú, Đanh Xuyên, Đặng Giang, huyện Ứng Hòa và tập trung tại đó huấn luyện 3 tháng. “Ngày đầu xa nhà, xa quê hương, cùng với kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, cả tiểu đoàn luôn động viên nhau chăm chỉ luyện tập, nhanh chóng hoàn thành khóa học để còn ra chiến trường. Mỗi ngày phải học cách đi bộ, trên vai đeo ba lô để rèn luyện sức bền, độ dẻo dai. Lúc đầu là quãng đường 10km, sau tăng dần lên 15 - 25km. Sau 3 tháng luyện tập, hôm lên đường vào chiến trường, trời mưa lâm thâm, nhưng bố mẹ và anh chị em đều tập trung đông đủ tiễn chân chúng tôi đi” – bà Tuyết xúc động kể lại.

Nhớ về những năm tháng ấy, bà bảo: Lên tàu sớm trong trật tự, kỷ luật nhưng cũng đầy lưu luyến giữa người ở và người đi, đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, mọi người đều ngoái nhìn chào tạm biệt quê hương, người thân, hầu như các chị ai ai cũng ôm nhau khóc. Quãng đường đi dài 2 ngày, đến Vinh, Nghệ An, tàu không đi được nữa vì máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Tiểu đoàn được bố trí nghỉ lại nhà dân rồi sau đó tiếp tục hành trình đi bộ tiến vào Trường Sơn. Tại đây, chứng kiến cảnh nhiều gia đình không còn nhà cửa, vườn tược, các em nhỏ phải học và ngủ trên đống rơm… vì bom đạn Mỹ. Chúng tôi nhường cơm, cháo cho các cháu nhỏ ăn, dẫu chính bản thân còn đang bị cơn đói hành hạ, chính điều này đã thôi thúc ý chí quyết tâm vào chiến trường thật nhanh, góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Một thời để nhớ

Sau 6 ngày hành quân “ngày ngủ đêm đi”, vượt qua sông Gianh rồi về Cự Nẫm, dọc theo đường 20 Quyết Thắng, tiểu đoàn mới đặt chân đến những dãy núi đầu tiên của dải Trường Sơn hùng vĩ. Vượt qua các trạm giao liên của Đường 559 – bộ đội Trường Sơn rồi dừng chân ở Trạm 5 – đây cũng là nơi chứng kiến cuộc chia tay nhau của những chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc khi phải tỏa về “các hướng, các nhánh” để nhận nhiệm vụ mới trên con đường huyết mạch vận tải chiến lược Bắc – Nam. Bà Tuyết kể: Khi mới vào chiến trường, bà được giao nhiệm vụ vào rừng chặt tre, nứa về làm lán trại, nhà hầm. Rồi sau đó được phân công vào tiểu đội tăng gia sản xuất, với nhiệm vụ đốt nương, cuốc rẫy, làm đến đâu dựng tường rào bằng thân cây dó để ngăn thú rừng phá hoại. Cũng có lúc khi đơn vị thiếu người, bà được điều vào tăng cường cho trạm giao liên, dẫn quân vào tuyến trong, rồi vận chuyển thương binh từ tuyến ngoài.

Với những thành tích tốt khi phục vụ chiến đấu, bà Tuyết vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới vừa 21 tuổi. Vào những ngày tháng 3/1975, khi các đoàn quân của ta rầm rập tiến về miền Nam, chuẩn bị bước vào những ngày tháng chiến đấu quyết liệt, bà Tuyết được cấp trên điều động ra Bắc tiếp tục học tập, sau đó chuyển về công tác tại huyện Hoài Đức. Trải qua nhiều cương vị công tác chính trị tại địa phương, bà Tuyết luôn giữ vững truyền thống bộ đội Cụ Hồ và người lính Trường Sơn hoàn thành tốt mọi trọng trách, tiếp lửa cho con cháu đời sau.