Đó là những lời chia sẻ chân thành, mộc mạc của em Đỗ Thùy Dương (SN 1997), sinh viên năm thứ 4, Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí & Tuyên truyền khi nhặt được chiếc ví, bên trong có nhiều tiền và đồ có giá trị, đã tìm mọi cách trả cho chủ nhân.
Ai ở hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như emMột buổi tối giữa tháng 8/2017 (khoảng gần 21h30), trời mưa rất to, trên đường đi học về, Đỗ Thùy Dương đã nhặt được chiếc ví màu đen bên vệ đường Nguyễn Phong Sắc đi hướng Phạm Văn Đồng.
|
Đỗ Thùy Dương được trao danh hiệu Người tốt việc tốt cấp TP năm 2018. |
Có chút gì đó băn khoăn, ngần ngại, xen lẫn cảm giác lo lắng, Dương chỉ mong sao chủ nhân chiếc ví sớm quay trở lại nhận ví. Đem chiếc ví về nhà (Bắc Từ Liêm), Dương cùng bố mẹ kiểm tra túi thấy bên trong có một tập tiền mệnh giá 500.000 đồng (khoảng hơn 20 triệu đồng), một chiếc điện thoại smartphone, thẻ ngân hàng cùng nhiều đồ có giá trị và giấy tờ tùy thân. Cùng lúc đó, chiếc điện thoại của chủ nhân đổ chuông và đầu dây bên kia xưng danh là chị Bảo Ngọc- Giám đốc một thẩm mỹ viện -chủ nhân chiếc ví. Vui vẻ nhận lời và chờ chủ nhân đến lấy ví, chỉ đến khi chủ nhân kiểm tra ví, đầy đủ đồ đạc bên trong, Dương mới thở phào nhẹ nhõm, vui mừng vì sớm tìm được chủ nhân chiếc ví. “Ai ở hoàn cảnh em cũng sẽ làm như vậy thôi. Khi ai đó mất đồ đều rất lo lắng và buồn phiền nên trước sự việc như vậy, em chỉ muốn mong chóng tìm được chủ nhân”, Dương bày tỏ.
Cảm kích trước tấm lòng thơm thảo của em Dương, chị Bảo Ngọc có nhã ý muốn gửi gia đình Dương chút quà cảm ơn nhưng gia đình Dương từ chối. Thêm một lần nữa, thay lời cảm ơn, chị Bảo Ngọc đã đưa câu chuyện đẹp của Thùy Dương lên facebook để lan tỏa tới cộng đồng những hành động đẹp, cùng “cóp nhặt” những lòng tốt của thế hệ trẻ, chung tay xây đắp một xã hội hiện đại, văn minh.
Sống đúng với phẩm chất của mình Dù câu chuyện đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay, Dương vẫn luôn nhận được những lời khen ngợi, thán phục không ngớt từ phía thầy cô, bạn bè, người thân và cộng đồng mạng. Dương bảo: “Quả thực, với khoản tiền ấy, em có thể mua được rất nhiều thứ, phục vụ cho nhu cầu của mình: Đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập, quần áo, ăn uống cùng bạn bè. Nhưng lấy tiền nhặt được để phục vụ cho bản thân, em cảm thấy không thoải mái, vì đấy không phải là tiền của mình”.
|
Đỗ Thùy Dương, sinh viên năm thứ 4, Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí & Tuyên truyền (ảnh phải, ngoài cùng) được trao danh hiệu Người tốt việc tốt cấp TP năm 2018. |
Nhớ đến câu nói “Của thiên trả địa” và thấm thía hơn với những lời nói, việc làm thầy cô, bố mẹ giáo dục mình nên thay vì tiêu tiền của người khác, Thùy Dương đã trả lại người đánh mất. “Việc mà mình được mọi người nhớ đến, là người tốt việc tốt sẽ vui hơn việc mình tiêu tiền của người khác”, Thùy Dương bộc bạch và nghĩ rằng, các bạn trẻ đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất đi bản chất của mình. Bởi khi nhìn thấy cái lợi trước mắt, thường lòng tham sẽ nổi lên. Thế nên, hãy kiềm phần "con" của mình lại và hãy sống theo đúng bản chất để làm được những việc tốt, giúp ích cho đời.
Dù chưa ra trường nhưng phát huy năng lực và sở trường của mình là năng khiếu MC và biên tập viên, từ lâu, Thùy Dương đã là cộng tác viên thân thiết của báo Pháp luật Plus với vai trò là MC dẫn những chương trình của báo. Bên cạnh đó, em cũng hay tham gia các câu lạc bộ ở trong trường để tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện thêm kỹ năng mềm trước khi ra trường. Bởi với Dương, chính hoạt động ở các câu lạc bộ trong trường là nơi khởi nguồn cho sự nghiệp của mình.
Là một cô gái năng động, có thế mạnh về giao tiếp, đam mê về truyền thông, quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực, Dương đã lên kế hoạch cho mình bằng cách trau dồi thêm kỹ năng làm báo, rèn luyện thêm khả năng, kiến thức trong lĩnh vực truyền thông để sau này có thể tự tin dấn thân lập nghiệp.