Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ tranh luận lần cuối. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo giới học giả, cuộc tranh luận này có thể mang tính quyết định khi các cuộc thăm dò dự đoán về một cuộc bầu cử vô cùng sít sao vào ngày 6/11.
Từ vụ giết người Mỹ ở Libya, cuộc nội chiến tại Syria cho đến chương trình hạt nhân của Iran, cuộc tranh luận này dự kiến sẽ sôi nổi hơn và đào sâu vào những câu hỏi về vai trò của Mỹ trên thế giới.
Tổng thống Obama trong thời gian qua đã nêu bật những thành tích của chính phủ của ông, như chấm dứt vai trò của quân đội Mỹ tại Iraq, giảm bớt quân Mỹ ở Afghanistan, tiêu diệt Osama bin-Laden và các thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Ông Romney thì nói chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama đang "tan vỡ."
Về các vấn đề khác, chẳng hạn như thương mại với Trung Quốc, ông Romney cam kết sẽ có thái độ quyết liệt hơn so với Tổng thống Obama.
Một số nhà phân tích nói hiện vẫn chưa rõ liệu chính sách đối ngoại của ông Romney sẽ khác biệt ra sao so với chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.
Ông Daniel Serwer làm việc tại Trường Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Johns Hopkins nhận xét: "Trong khi chỉ trích chính phủ Obama về vấn đề Iraq, Afghanistan, và Iran, ông Romney đã không đưa ra được nhiều đề xuất rõ rệt về những vấn đề ấy, và lý do vì sao ông làm như thế là bởi rất khó nghĩ ra những điều tốt hơn để làm."
Chiến dịch vận động bầu cử phần lớn tập trung vào vấn đề kinh tế. Tuy vậy, ông Romney vẫn có khả năng giảm bớt thế thượng phong của Tổng thống Obama trong các vấn đề đối ngoại.
Một cuộc thăm dò do đài truyền hình CNN thực hiện sau cuộc tranh luận thứ hai cho thấy Tổng Thống Obama dẫn trước ông Romney đôi chút, với 49% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Obama có khả năng hơn về chính sách đối ngoại, so với 47% tin rằng ông Romney có khả năng hơn trong lĩnh vực này.