Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Olympic 2016: Sau đỉnh cao là vực sâu thất vọng

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày sau khi Hoàng Xuân Vinh phá kỷ lục, giành HCV Olympic 2016, đến lượt những niềm hy vọng huy chương của thể thao Việt Nam là Nguyễn Thị Ánh Viên và Thạch Kim Tuấn xung trận.

Chỉ có điều, những mũi chủ công của đoàn thể thao Việt Nam lại không còn là chính mình khi đối diện với áp lực thành tích.

Thua chính mình

Ánh Viên và Kim Tuấn là những trường hợp đặc biệt của thể thao Việt Nam. Họ là những tài năng nằm trong diện được tạo nguồn cho chiến dịch chinh phục ASIAD và Olympic. Ánh Viên từ năm 16 tuổi đã được huấn luyện với chế độ đặc biệt. Cô được gửi sang Mỹ tập huấn với chi phí hàng tỷ đồng. Không ồn ào và tốn kém như Ánh Viên, Kim Tuấn cũng được thầy ngoại dẫn dắt và tham gia rất nhiều giải đấu ở nước ngoài nhằm cải thiện thành tích.
Olympic 2016: Sau đỉnh cao là vực sâu thất vọng - Ảnh 1
Vậy nên, trong số 23 vận động viên tham dự Olympic 2016, không quá ngạc nhiên khi Ánh Viên, Kim Tuấn được đặt niềm tin giành huy chương. Thậm chí, trong trường hợp Hoàng Xuân Vinh không thể giành HCV, họ chính là những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam. Bởi lẽ, trình độ của 2 vận động viên này gần tiệm cận với nhóm có khả năng giành huy chương Olympic. Thế nhưng, đã qua 2/3 nội dung thi đấu, Ánh Viên đều không thể hiện được mình. Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam không giành vé đến vòng chung kết các nội dung mình tham dự. Ở nội dung 400m nữ, Ánh Viên có thành tích là 4 phút 16 giây 32, kém xa thành tích 4 phút 7 giây 96 lập được ở giải bơi lội Arena Pro Swim Series 2016.

Tương tự Ánh Viên, Kim Tuấn đã thất bại thảm hại ở nội dung 56kg khi phải rất vất vả mới nâng được mức tạ 130kg. Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi trước đó anh từng giật được mức 135kg.

Bài cũ chưa thuộc

Việc các vận động viên Việt Nam thất bại ở thời điểm quyết định không phải là chuyện lạ. Trước đây, không ít lần những niềm hy vọng huy chương, thậm chí là HCV đã thất bại vì quá hồi hộp mà sai đấu pháp. Đáng tiếc nhất phải kể đến trường hợp của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn ở hạng cân 56kg. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, lực sỹ này chỉ giành HCB mà lẽ ra, anh hoàn toàn có thể giành HCV nếu có đấu pháp đúng hơn. Ngay cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhiều lần cũng “trắng tay” tại đấu trường châu lục và Thế vận hội do mất bình tĩnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bản lĩnh trận mạc là điều mà các vận động viên Việt Nam luôn thiếu. Lý do là ngành thể thao không có nhiều điều kiện về tài chính để cử vận động viên ra nước ngoài thi đấu cọ xát. Điều kiện thi đấu cũng là vấn đề với các môn thể thao Việt Nam khi các vận động viên thường xuyên phải tập chay. Thời gian gần đây, những vận động viên thuộc nhóm tài năng đã được tạo nhiều điều kiện hơn trong việc ra nước ngoài tập huấn và thi đấu. Tuy nhiên, áp lực thành tích đè nặng khiến các vận động viên luôn có cảm giác ngộp thở.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, để các vận động viên Việt Nam không bị áp lực đè nặng dẫn đến mất phong độ, đòi hỏi lãnh đạo ngành thể thao phải có cách tiếp cận đúng. Chưa hết, các nhân tố tài năng rất cần sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý, điều mà ngành thể thao Việt Nam chưa bao giờ tính đến cho đến thời điểm này.