Vận động khuyến học trên chiếc xe đạp cũ
Gắn bó với sự nghiệp trồng người gần 40 năm, từ cương vị thầy giáo đến hiệu trưởng trường Bổ túc văn hóa huyện Thường Tín, đến khi về hưu năm 1999, ông giáo Khôi không cho phép mình nghỉ ngơi. Ông tiếp tục nung nấu ý tưởng thành lập Hội Khuyến học của xã để thúc đẩy phong trào học tập tại quê hương.Bằng uy tín của mình, ông đã đề xuất với Chủ tịch UBND xã Tân Minh thành lập Hội Khuyến học năm 2001. Sau đó, ông đi vận động thêm những người có uy tín trong xã gây quỹ ban đầu và Hội chính thức thành lập năm 2003, ông giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội. Cũng từ đây, ông bắt đầu rong ruổi cùng chiếc xe đạp cũ và cuốn "sổ vàng" tới từng nhà trong 5 thôn thuộc xã Tân Minh để vận động khuyến học. Ban đầu, việc vận động khá khó, do người dân trong xã phần nhiều muốn con cái học xong cấp 2, cấp 3 sẽ đi làm ngay hoặc ở nhà trồng rau gia vị, một nghề khá phổ biến ở địa phương. Vì thế mà hàng năm xã chỉ có 2 - 3 em trúng tuyển vào đại học, hầu như không có học sinh giỏi cấp TP. Không vì thế mà nản lòng, ông Khôi đến nhà người dân mọi lúc có thể, thậm chí ra hẳn ngoài đồng gặp để diễn giải cho họ thấy ý nghĩa của việc khuyến học, khuyến tài.Ngoài việc đến từng nhà, ông Khôi còn viết bài và lên đài truyền thanh xã đọc, kể chuyện về các tấm gương nhà nghèo vượt khó trong học tập, viết thư gửi những người con xa quê đi làm ăn xa, vận động ủng hộ quỹ khuyến học của xã. Những năm đầu, số tiền vận động được chưa nhiều, chỉ khoảng chục triệu đồng/năm. Tất cả số tiền này được trao cho các tân sinh viên, học sinh nghèo vượt khó trong thôn. Ông Khôi và những người phụ trách không hưởng bất kỳ nguồn phụ cấp nào. Với ông, việc con em trong xã học hành đỗ đạt, có nghề có nghiệp, công việc ổn định là niềm vui lớn nhất.Tiếp thêm động lựcTiếng lành đồn xa, hàng năm những người con xa quê, DN đóng trên địa bàn xã ủng hộ ngày một nhiều hơn. Ông cũng thay đổi nhiều cách vận động quỹ như vận động các đôi nam nữ mới kết hôn, vận động quyên góp sách vở cũ, đồ dùng học tập… miễn sao để quỹ khuyến học thêm phong phú và Nhân dân thật sự thấy con em họ là trung tâm, là mục tiêu hoạt động của Hội Khuyến học.Những năm trở lại đây, xã Tân Minh đều có trên 30 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, xuất hiện học sinh giỏi cấp quốc gia, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập vượt bậc… Ai cũng được ông Khôi và Hội đến tận nhà động viên, thăm hỏi và trao một chút quà khích lệ. Theo chia sẻ của anh Sang (35 tuổi) nhà kế bên ông Khôi, bố anh mất sớm, mẹ sức khỏe kém, lúc học cấp 3 anh định nghỉ học đi làm thuê. Tuy nhiên, được sự động viên của thầy Khôi, cùng một sự hỗ trợ nhỏ từ Hội Khuyến học xã, anh đã quyết tâm đi học và trúng tuyển vào Đại học Xây dựng. Đến nay, cuộc sống của anh đã ổn định. "Nếu như ngày đó mà nghỉ học đi làm thuê có lẽ tôi chưa thể có công ăn việc làm ổn định, xây được nhà và có chút vốn như bây giờ" - anh Khôi chia sẻ.Đến thời điểm này, mỗi năm Hội Khuyến học của xã vận động được khoảng gần 100 triệu đồng. Số tiền này được hỗ trợ hoàn toàn cho tân sinh viên, học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Với sự đóng góp của mình cho phong trào khuyến học tại Tân Minh, ông Khôi được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen là gương điển hình tiên tiến năm 2015; Bằng khen của T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam; đặc biệt là sự yêu quý, kính trọng của Nhân dân địa phương và lớp lớp con em đỗ đạt sau này đi xây dựng quê hương đất nước.