Ông Trần Bắc Hà thôi chức Chủ tịch BIDV từ ngày 1/9

D. Tùng (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà sẽ rời nhiệm sở từ ngày 1/9 tới.

Trưa ngày 17/8, trả lời điện thoại của báo chí về “thông tin ông sắp rời nhiệm sở”, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bình thản trả lời: “Đến tuổi thì tôi nghỉ hưu thôi chứ có gì đâu”.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, nguyên quán Bình Định. Tháng 2/1981, ông bắt đầu làm việc tại BIDV. Tháng 7/1991, ông là Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bình Định.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà
Ông trực tiếp xây dựng, khởi tạo thành lập Sở  Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản, Trưởng Ban Xử lý nợ Ngân hàng TMCP Nam Đô, chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.

Tháng 10/1999, ông là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 01/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Theo Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm thì cá nhân ông Trần Bắc Hà hiện đang sở hữu 136.643 cổ phiếu BID chiếm 0,004% vốn tại BIDV.

Hiện BIDV có mức vốn điều lệ 34.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ. Trước thời điểm ông Hà nghỉ hưu thì vốn Nhà nước tại BIDV do ba thành viên đại diện là ông Trần Bắc Hà (40%), ông Phan Đức Tú (30%) và ông Đặng Xuân Sinh (30% vốn).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, BIDV đạt 3.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,3% và huy động vốn tăng 13%.

Ông Trần Bắc Hà được biết đến rộng rãi trong giới tài chính bởi giữ vị trí Chủ tịch một ngân hàng trong top 4 ngân hàng thương mại cổ phần có xuất thân ngân hàng quốc doanh và lĩnh vực cho vay rộng khắp. Sự ảnh hưởng của ông lớn đến mức, tháng 2/2013 có tin đồn ông bị bắt giữ đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ, khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VN-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỉ trong chỉ 1 phiên giao dịch.

Ngay sau khi tin đồn này được phủ nhận thì thị trường chứng khoán đã khôi phục được một nửa số điểm ngay phiên giao dịch ngày hôm sau (22/2).