Ngày 2/7, Nhà Trắng thông báo ý kiến của Tổng thống Trump, nói rằng Quốc vương Salman cho biết nước Ả Rập Saudi có thể tăng sản lượng dầu nếu cần thiết.
Trước đó, viết trên trang Twitter hôm 30/6, Tổng thống Trump cho biết Quốc vương Ả Rập Saudi Salman đã nhất trí với đề xuất của ông về tăng sản lượng khai thác dầu thêm tới 2 triệu thùng/ngày để kéo giảm giá dầu.
“Tôi đã trao đổi với vua Salman của Ả Rập Saudi và giải thích với ông ấy rằng, vì tình hình hỗn loạn và bất ổn ở Iran và Venezuela nên tôi đề nghị Ả Rập Saudi tăng sản lượng dầu, có thể sẽ lên đến 2 triệu thùng, để bù đắp cho sự thiếu hụt… Giá dầu đã lên quá cao! Ông ấy đã đồng ý”, trích từ Twitter của ông Trump.
Ngày 1/7, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, Tổng thống Trump tiếp tục kêu gọi Ả Rập Saudi nâng sản lượng lên mức kỷ lục mới nhằm “hạ nhiệt” giá dầu.
Cách đây 1 tuần, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã nhất trí nâng sản lượng khai thác, sau khi duy trì hạn chế sản lượng từ đầu năm 2017.
Các nước trong và ngoài OPEC không nói rõ mức nâng sản lượng là bao nhiêu, nhưng trong các cuộc họp báo vừa qua, các quan chức OPEC phát tín hiệu mức tăng có thể dao động từ 700.000-1 triệu thùng/ngày. Bởi vậy, đề nghị tăng sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng/ngày mà ông Trump đưa ra sẽ nhiều hơn gấp đôi mức kỳ vọng của thị trường.
Theo cơ quan truyền thông nhà nước Ả Rập Saudi, trong cuộc điện đàm, nhà vua Salman và ông Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì ổn định thị trường dầu lửa và nỗ lực của các nước sản xuất dầu để bù đắp cho bất kỳ nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nào. Tuy nhiên, báo giới nước này không đề cập để mức nâng sản lượng cụ thể.
Ả Rập Saudi có công suất khai thác dầu tối đa là 12 triệu thùng/ngày, nhưng chưa bao giờ thử vận hành ở ngưỡng này. Một nguồn thạo tin mới đây tiết lộ với Reuters rằng Ả Rập Saudi có kế hoạch nâng sản lượng dầu lên 11 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục, từ mức 10,8 triệu thùng/ngày hiện nay.
"Đó sẽ là mức sản lượng chưa từng có", nhà phân tích Amrita Sen thuộc công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects nói về sản lượng dầu của Ả Rập Saudi theo đề nghị của ông Trump. "Về lý thuyết, Ả Rập Saudi có khả năng, nhưng sẽ phải mất thời gian và tiền bạc để đạt được mức sản lượng đó, có thể mất tới 1 năm".
Giá dầu thế giới đã tăng 23% từ đầu năm đến nay nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC và Nga, nhu cầu tiêu thụ tăng cao và nguồn cung lại thắt chặt hơn.
Tuần qua, giá dầu thế giới tăng mạnh sau khi có tin Mỹ đang gây sức ép đòi các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á và Trung Đông giảm nhập khẩu dầu từ Iran về mức 0 trước ngày 4/11, nếu không sẽ bị Mỹ trừng phạt. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói nước này sẵn sàng làm việc với các quốc gia theo từng trường hợp cụ thể để giúp giảm nhập khẩu dầu từ Iran, đồng thời phát tín hiệu có thể có những trường hợp miễn trừ.
Trong phiên giao dịch ngày 2/7, giá dầu Brent giảm nhẹ 1% nhưng vẫn ở mức cao 79 USD/thùng.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2018 do gián đoạn nguồn cung ở những nước như Libya và Venezuela, trong khi sản lượng tăng thêm của OPEC không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng.