OPEC và Nga sẽ họp vào cuối tuần này tại thủ đô Muscat của Oman để thảo luận lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm cân bằng thị trường dầu trong bối cảnh giá dầu vượt mức kỳ vọng quá nhanh.
Hiện giá "vàng đen" đang tăng cao hơn so với mức dự báo của lãnh đạo các nước thành viên OPEC. Khi sản lượng bị cắt giảm, cùng với nhu cầu toàn cầu tăng cao và thị trường được thắt chặt hơn đã đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, lên gần 70 USD/thùng. Theo nhận định của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran và ngân hàng Goldman Sachs, điều này dấy lên lo ngại rằng giá dầu phục hồi quá nhanh khiến Mỹ gia tăng sản xuất dầu thô sẽ tác động tiêu cực đến những nỗ lực đẩy giá lên của OPEC.
Mike Wittner, giám đốc nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Societe Generale SA ở New York , cho biết: "Vấn đề lớn nhất là giá cả, OPEC và Nga có lo lắng khi giá lên quá nhanh trong một thời gian ngắn? Sẽ có nhiều điều khiến họ quan tâm, nhưng điều đáng quan tâm nhất là ngành sản xuất dầu thô của Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?".
Với lượng dầu dự trữ rất lớn, các bộ trưởng của các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Iraq và Kuwait cho rằng không cần phải thay đổi chiến lược và thỏa thuận cắt giảm sản lượng vẫn sẽ được duy trì nhằm kiềm chế sản xuất trong phần còn lại của năm 2018.
Trong khi đó, Jeff Currie, trưởng nhóm nghiên cứu đầu tư hàng hóa tại ngân hàng Goldman Sachs, cho biết: "Việc dầu thô vượt quá mức giá 70 USD/ thùng có thể kích thích nguồn cung mới, đưa giá dầu về lại mức thấp và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Các thành viên OPEC sẽ không muốn chứng kiến điều đó xảy ra".
Trước tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài đẩy giá dầu lao dốc thảm hại, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã nhất trí thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm cân bằng thị trường dầu toàn cầu từ đầu năm 2017.
Trong nửa đầu năm 2017, thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày chưa thể hiện được hiệu quả khi lượng dầu dư thừa mà giá vẫn còn thấp. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm ngoái, các nhà xuất khẩu dầu đã lạc quan khi giá dầu bắt đầu phục hồi mạnh mẽ do suy giảm nguồn cung từ Vịnh Ba Tư và Biển Bắc, khiến các nước tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Gần đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 11/1, giá hợp đồng tương lai dầu Brent tăng lên 70,05 USD, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Giá dầu leo dốc làm giảm gánh nặng với các nhà xuất khẩu, tuy nhiên, thị trường tăng quá nóng cũng cho thấy những hậu quả đáng lo ngại. Với việc tăng cường khai thác, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể lên tới 11 triệu thùng/ngày vào năm nay, vượt qua cả sản lượng của Ả-rập Saudi và Nga. Năm 2017, con số này là 9,3 triệu thùng/ngày.
Ông Ed Morse, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Citigroup, phân tích: "Có một hệ quả không lường trước được từ việc giá dầu tăng quá nhanh. Sự lo ngại của OPEC không chỉ đến từ dầu đá phiến Mỹ, mà còn cả dầu cát của Canada ”.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Việc này có thể hỗ trợ tích cực cho OPEC khi giải quyết được một phần lượng dầu đang dư thừa hiện nay.
Các nước thành viên trong và ngoài OPEC sẽ chính thức xem xét lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 6 tới, và có thể bắt đầu điều chỉnh chiến dịch trong nửa cuối năm 2018. Trước đó, Ả Rập Saudi và Nga, 2 nhà sản xuất dầu lớn nhất tham gia hiệp ước, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đến lúc thỏa thuận kết thúc thì nó sẽ được khởi động lại một cách từ từ, nhằm tránh một cú sốc trên thị trường.