Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ôtô đua nhau tăng giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn một tuần Tổng cục Hải quan áp dụng “Danh mục mặt hàng quản lý rủi ro về giá” đối với một số mặt hàng “xa xỉ” nhập khẩu (NK),

KTĐT - Sau hơn một tuần Tổng cục Hải quan áp dụng “Danh mục mặt hàng quản lý rủi ro về giá” đối với một số mặt hàng “xa xỉ” nhập khẩu (NK), trong đó có ô tô, phản ứng từ thị trường đã hừng hực sức nóng. Dòng xe “nội” vốn khan hiếm mấy tháng qua nay càng được nước làm giá, còn ô tô “ngoại” dù tiêu thụ chậm nhưng cũng đua nhau tăng giá.

Ế vẫn tăng giá

Sau thời gian dùng dằng giữa việc nên tăng thuế NK hay đưa “biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt” đối với ô tô NK nhằm vừa hạn chế nhập siêu vừa ngăn chặn gian lận thương mại, cuối cùng giải pháp áp dụng ấn định tăng mức giá tính thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, ban hành ngày 2-10, đã được lựa chọn. Đón nhận thông tin này, mới đầu giới kinh doanh xe nhập khẩu bị “choáng” vì không kịp trở tay với các đơn hàng ký trước đó chưa kịp nhập về, nhưng sau đó phản ứng bằng cách tăng giá bán ô tô dù thị trường chưa mấy sáng sủa vào lúc này.

Ghi nhận tại hầu hết cửa hàng, công ty kinh doanh ô tô NK khu vực TPHCM vẫn vắng lặng như tờ. Nơi nào may mắn mỗi tháng tiêu thụ được 1 - 2 chiếc xem như đủ “sở hụi” để chi phí. Thế nhưng, thay vì trong lúc ế ẩm giới kinh doanh ô tô NK nên khuyến mãi giảm giá để chiêu dụ khách hàng, đằng này lại đồng loạt tăng giá trên dưới 5%. Ví dụ, Toyota Corolla Altis đời 2009, tăng bình quân 2.000 - 2.500 USD/chiếc lên mức giá 42.500 - 43.000 USD; Lexus RX 350 đời 2009 giá 120.000 USD/chiếc, nay tăng thêm 5.000 USD/chiếc….

Giám đốc Công ty TNHH TM DV H.K Hoàng Tấn Khang, chuyên kinh doanh ô tô NK đã qua sử dụng ở “chợ ô tô” trên đường Trần Hưng Đạo quận 5, cho biết, từ đầu năm đến nay công ty bán hàng rất chậm, tháng nào may mắn mới bán được 1 - 2 chiếc. Tuy nhiên, mấy hôm nay công ty buộc phải niêm yết tăng giá bán vì so với biểu giá tính thuế mới để quản lý rủi ro về giá của hải quan đối với ô tô NK đã khiến mức giá bị điều chỉnh tăng từ 3% - 20% so với trước đó. “Thực ra, chúng tôi chưa định tăng giá ngay, vì mấy chiếc này nhập về cách đây mấy tháng trước, nhưng sợ vài bữa hải quan truy thu thuế nên phải tăng nếu không sẽ lỗ nặng. Đó là chưa kể hơn 20 chiếc chúng tôi đã ký hợp đồng, chỉ đợi vài hôm nữa chuyển về nhằm phục vụ tết” - ông Khang chỉ tay vào những chiếc xe trong cửa hàng buồn bã nói.

Theo Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Ô tô Huynh Đệ Nguyễn Hoành Định, việc các doanh nghiệp ô tô NK tăng giá bán là chuyện chẳng đặng đừng. Và đáng tiếc là cứ mỗi lần các ngành chức năng bất ngờ ban hành các quy định mới nhưng lại không có lộ trình, không thông báo trước nên đã gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô NK dù chính họ đã đóng góp một khoản thuế không nhỏ cho nhà nước.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Trên thực tế, việc các cơ quan thực thi pháp luật ban hành mọi quy định đều nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế - xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, nếu các quy định ban hành không được nghiên cứu kỹ, sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng kể. Trong đợt ban hành biểu giá tính thuế mới để quản lý rủi ro về giá đối với ô tô NK lần này của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, chưa thể đánh giá đã mang lại lợi ích bao nhiêu cho nền kinh tế đất nước, nhưng trước mắt có thể thấy rõ người tiêu dùng tiếp tục phải chịu thiệt.

Có thể thấy một sự trùng lặp “kỳ lạ” là trong khi ô tô NK tiếp tục bị siết, buộc phải đẩy giá lên cao vượt khỏi tầm với của người tiêu dùng dẫn đến ế ẩm thì dòng xe trong nước lâu nay vốn vẫn được bảo hộ lại liên tục khan hiếm… “ảo”.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, hiện nay để mua xe của Toyota, Honda…, người tiêu dùng phải đặt trước 3 - 6 tháng, thậm chí có đơn vị đã từ chối hợp đồng xe từ nay đến cuối năm. Còn số lượng xe các công ty trong nước nợ khách hàng đã lên đến hàng chục ngàn chiếc, đến qua năm mới trả hết! Nhưng có đúng các công ty ô tô trong nước sản xuất không kịp do dự báo từ cuối năm 2008 dẫn đến kế hoạch cắt giảm sản lượng 10% - 20% trong năm nay; nhu cầu tăng đột biến các hãng trở tay không kịp, bởi hạn chế công suất lắp ráp và phụ thuộc vào đơn đặt hàng linh phụ kiện… như các hãng đã lý giải?

Thực tế ai cũng biết, để mua một chiếc ô tô trong nước không khó, nếu biết… “chạy”. “Trên dưới 5.000 USD chi thêm cho một chiếc ô tô sản xuất trong nước sẽ có ngay”. Đó là lời quảng cáo “thật lòng” của các cửa hàng kinh doanh xe.

Đơn cử, hiện tại chiếc Camry 2.4G, đời 2009 sản xuất trong nước nếu muốn mua giá xuất xưởng chưa đến 50.000 USD thì phải đợi dài cổ, thế nhưng nếu người tiêu dùng chịu mua với giá trên dưới 55.000 USD thì hầu như cửa hàng kinh doanh xe nào cũng có. Nhiều ý kiến cho rằng, thật quá phi lý khi mà xe trong nước không đủ cung, xe NK lại bị hạn chế, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua xe giá cao và nhiều đại lý lại có cơ hội trục lợi.

Chưa kể hơn 10 năm nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng giá bán xe vẫn rất cao, trong khi năm nào cũng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường khiến người tiêu dùng thiệt hại kép.

Theo ấn định mức giá nhập khẩu của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, hầu hết các dòng xe nhập khẩu đều tăng mạnh. Trong đó, giá tính thuế dòng xe Camry nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) về tăng 2.500 USD/xe và tăng 4.500 USD/xe tổng giá sau thuế; xe Lacetti có mức tăng gần 1.000 USD/xe và xe Hyundai Genesis Coupe tăng 3.500 USD/xe...

Cũng cần nói thêm, trước khi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan ban hành biểu giá tính thuế, VAMA đã có văn bản “ca thán” tình trạng nhiều doanh nghiệp NK ô tô gian lận thương mại qua giá. Trong đó, VAMA “tố cáo” rằng, do doanh nghiệp NK ô tô có gian lận thương mại dẫn đến tình trạng ô tô NK có giá bán thấp, lượng xe đưa về nước lớn, gây bất ổn thị trường, đồng thời làm khó ngành công nghiệp ô tô trong nước?! Trong khi đó, dư luận đặt vấn đề, liệu có phải xuất phát từ văn bản kiến nghị và bênh vực lợi ích của VAMA nên Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan mới hỏa tốc ban hành quy định nêu trên, chứ không phải xuất phát từ thực trạng gian lận thương mại thực tế?