Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Panasonic chuẩn bị “nuốt chửng” Sanyo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hãng điện tử Nhật Panasonic đã đàm phán xong với 3 cổ đông lớn nhất của “người đồng hương” Sanyo để thâu tóm và trở thành hãng sản xuất điện tử lớn nhất thế giới.

KTĐT - Hãng điện tử Nhật Panasonic đã đàm phán xong với 3 cổ đông lớn nhất của “người đồng hương” Sanyo để thâu tóm và trở thành hãng sản xuất điện tử lớn nhất thế giới.

Panasonic, hãng sản xuất màn hình TV plasma lớn nhất thế giới đã chính thức đưa ra lời đề nghị trị giá 402 tỷ yên Nhật để mua lại phần lớn số cổ phần của hãng Sanyo với mục tiêu mở rộng mảng “điện tử xanh” của mình với những sản phẩm như panel pin mặt trời hay pin sạc.

Trên thị trường thế giới, Sanyo là hãng cung cấp phần lớn số lượng pin sạc cho các thiết bị điện tử như laptop, máy ảnh số… của các hãng khác đồng thời họ cũng là nhà cung cấp chủ yếu thiết bị pin cho dòng xe hơi “lai” (chạy bằng cả xăng hoặc điện) của các hãng như Honda, Ford hay Peugeot Citroen.

Mới đây Panasonic cũng đã tham gia phát triển các sản phẩm pin dành cho ô tô lai hoặc ô tô chạy điện của hãng xe lớn nhất thế giới Toyota.

Nếu bản hợp đồng này thành công, liên doanh Panasonic-Sanyo sẽ trở thành hãng thống trị thị trường “năng lượng xanh” được cho là sẽ chiếm ưu thế và thay thế các nguồn nhiên liệu thiên nhiên đang dần cạn kiệt trong tương lai.

Theo tuyên bố của Panasonic, đề nghị của họ đối với các cổ đông của Sanyo sẽ có giá trị từ nay đến hết ngày 7/12/2009 với mức giá mua vào 131 yên Nhật/cổ phiếu. Tuy nhiên mức giá này chỉ tương đương với ½ giá thị trường hiện tại.

Ngay sau khi Panasonic thông báo đề nghị của mình, cổ phiếu của Sanyo trên sàn chứng khoán Tokyo đã sụt giảm 20% và dừng ở mức giá 172 yên/cổ phiếu.

Tuy có giá mua thấp nhưng Panasonic đã gần như chắc chắn sẽ thâu tóm được Sanyo bởi 3 cổ đông lớn nhất là hãng tài chính Mỹ Goldman Sachs, Daiwa Securities SMBC và ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking đã đồng ý bán lại cho Panasonic toàn bộ số cổ phần mà họ đang nắm giữ với giá đề nghị.

Hồi năm 2006, Sanyo đã buộc phải phát hành một lượng “cổ phiếu ưu tiên” với tổng giá trị 300 tỷ yên (mỗi cổ phiếu ưu tiên có giá trị bằng 10 cổ phiếu thường) cho 3 thể chế tài chính này với giá 700 yên/ cổ phiếu để có tiền tái cấu trúc lại hãng sau cuộc khủng hoảng về doanh thu.

Tuy vậy, với số cổ phiếu của 3 cổ đông này, Panasonic cũng chỉ có được 70% số cổ phần trong Sanyo và họ cũng sẽ rất khó thâu tóm được 100% bởi nhiều cổ đông nhỏ khác tuyên bố sẽ không bán lại cho Panasonic với giá quá “rẻ mạt” như thế.

Đáng lẽ ra Panasonic đã có thể công bố quyết định này của mình từ hơn 1 năm trước đây nhưng họ buộc phải đợi các cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc, EU điều tra và thông qua. Các nhà chức trách về chống độc quyền của Mỹ cho biết họ cũng sẽ sớm thông qua bản hợp đồng của Panasonic.

Kể từ khi trận động đất hồi năm 2004 làm sập một nhà máy sản xuất chip lớn nhất của mình, Sanyo vẫn rất vất vả trên con đường tìm lại chỗ đứng trên thị trường thiết bị điện tử trước sự cạnh tranh rất gay gắt của các hãng điện tử Nhật và gần đây là Hàn Quốc.

Sau vụ sập nhà máy chip, Goldman Sachs và liên minh các ngân hàng Nhật đã phải ra tay giải cứu hãng này

Năm 2007, vụ bê bối tài chính đã khiến hãng này lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình phải bổ nhiệm một vị chủ tịch là người ngoài gia tộc đã sáng lập hãng.

Panasonic cũng đang trên đường tìm lại lợi nhuận sau khủng hoảng kinh tế . Trong quý III họ đã có lãi lần đầu tiên sau hơn một năm nhưng vẫn có mức thua lỗ dự tính trong cả năm 2009 là 140 tỷ yên.