Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phá liên minh sản xuất, buôn các loại chứng chỉ giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nhóm sinh viên, người bán hàng nước đã “bắt tay” với các đối tượng sản xuất các loại chứng chỉ, văn bằng giả, hình thành đường dây cung cấp giấy tờ giả liên tỉnh, qua đó kiếm lời bất chính cả trăm triệu đồng.

Cơ quan ANĐT - CATP Hải Phòng ngày 6/4 đã hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP đề nghị truy tố các bị can: Nguyễn Văn Thủy (SN 1989), trú ở huyện Kinh Môn, Hải Dương; Trần Văn Việt (SN 1991), trú ở Vụ Bản, Nam Định; Trần Đức Mạnh (SN 1991), trú ở huyện Bình Lục, Hà Nam và Trần Thị Hạnh (SN 1981), trú ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng, về tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

CQĐT đang tổ chức truy bắt một trong những đối tượng đầu vụ trong vụ án này là Hồ Đình Sùng (SN 1978), ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo cơ quan tố tụng, khoảng giữa năm 2014, Ban giám hiệu một trường đại học ở Hải Phòng phát hiện một số sinh viên dùng chứng chỉ Toeic (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) có dấu hiệu giả mạo. Từ thông tin của phía nhà trường, cơ quan Công an đã vào cuộc xác minh, thu mẫu giám định và xác định số chứng chỉ nghi vấn trên đúng là giả mạo. Một trong những manh mối đầu tiên của chuyên án đã được CQĐT xác định và triệu tập đến làm việc, là Nguyễn Văn Thủy, sinh viên hệ cao đẳng một trường đại học ở Hà Nội.

 
Quán nước cổng trường thành trung tâm môi giới sản xuất văn bằng giả.
Quán nước cổng trường thành trung tâm môi giới sản xuất văn bằng giả.
Tại CQĐT, Thủy khai nhận khoảng tháng 8/2013, Thủy gặp và quen đồng hương Hồ Đình Sùng. Sùng nói với Thủy anh ta có thể làm được các chứng chỉ tiếng Anh, tin học. Hai người trao đổi số điện thoại và thời gian ngắn sau đó, Thủy đặt hàng Sùng làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học trình độ A với giá 170.000 đồng. Một tuần sau, Thủy lấy được chứng chỉ, rồi khoe với bạn học là Đỗ Trần Hoàn.

Bẵng đi một thời gian, Thủy nhận được điện thoại của Trần Đức Mạnh, tự giới thiệu là bạn của Hoàn, đang theo học một trường đại học ở Hải Phòng nhờ Thủy làm hộ chứng chỉ Toeic. Thủy liên hệ và được Sùng nhận lời làm chứng chỉ với giá 3,2 triệu đồng. Vụ việc trót lọt, và thời gian dài sau đó, Mạnh tiếp tục đặt hàng Thủy làm hộ tổng cộng 52 chứng chỉ Toeic với giá từ 3,5 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/chứng chỉ.

CQĐT xác định nguồn khách hàng có nhu cầu làm chứng chỉ giả mà Mạnh khai thác được là từ Trần Thị Hạnh, chủ quán nước gần trường Mạnh. Tổng cộng, Mạnh đã nhận của Hạnh 29 trường hợp với giá 4 triệu đồng/ chứng chỉ. Mỗi trường hợp chuyển cho Thủy, Mạnh đều ăn chênh lệch, và đã thu lợi bất chính 20 triệu đồng. Không kém Mạnh, Trần Thị Hạnh thu của mỗi người có nhu cầu làm chứng chỉ tiếng Anh giả từ 5 triệu đến gần 6 triệu đồng. Quá trình tham gia làm chứng chỉ giả, Hạnh kiếm lời gần 32 triệu đồng.

“Chân rết” khác trong đường dây này là Trần Văn Việt. Việt vốn là bạn thân của Mạnh, và từng nhờ Mạnh làm chứng chỉ Toeic giả. Sau khi biết Mạnh chỉ là chân trung gian, Việt tìm cách lấy được số điện thoại của Nguyễn Văn Thủy và trực tiếp liên hệ. Tổng cộng, Việt đã thuê Thủy làm chứng chỉ giả cho 10 người, bỏ túi khoảng 4 triệu đồng.

Lời khai của Nguyễn Văn Thủy thể hiện, đã nhận tổng cộng 62 trường hợp từ Mạnh và Việt, sau đó chuyển cho Sùng làm chứng chỉ và ăn chênh lệch hơn 21 triệu đồng. Cùng với việc truy bắt Hồ Đình Sùng, CQĐT khuyến cáo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường biện pháp rà soát, ngăn chặn hiện tượng sử dụng chứng chỉ giả nhằm hợp thức hồ sơ, gian lận chất lượng học tập.