Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải chăng ngành than đang “vỡ trận” ?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Đầu năm 2016, Bộ Công Thương dự báo trong năm 2016, Việt Nam chỉ nhập khẩu (NK) khoảng 3 triệu tấn than, nhưng số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/9, tổng lượng NK than đá lên đến 10,1 triệu tấn, tăng khoảng 147% so với cùng kỳ năm trước, tăng tới 7 triệu tấn so với mốc dự báo mà Bộ Công Thương đã đưa ra.

Vậy, phải chăng ngành than đang “vỡ trận”?
Lý giải về vấn đề này, tại tọa đàm "NK than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức (24/10), ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nêu rõ: Việc Bộ Công Thương dự kiến trong năm 2016 chỉ NK 3 triệu tấn than, nhưng số than này chỉ dùng để cung ứng cho các nhà máy điện mà Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải đảm bảo cung ứng. Còn những nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT và nhà máy xi măng, hóa chất được tự chủ nhập than theo nhu cầu trong quy định của Nhà nước. Chính vì vậy, không có sự chênh lệch giữa con số NK dự kiến 3 triệu tấn và con số NK thực tế.
Lý giải thêm về việc NK than tăng đột biến trong 9 tháng qua, ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc TKV cho hay: Do kinh tế thế giới đang phục hồi dẫn đến nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu chậm lại, trong khi năng lực sản xuất than của nhiều nước như Indonesia, Australia, Trung Quốc… còn cao, nên giá than trên thị trường quốc tế giảm mạnh… Điều này khiến lượng than NK về Việt Nam tăng. Ngoài ra, tại các mỏ Miền Tây, Vàng Danh, Uông Bí đang tồn kho một lượng lớn than chất lượng thấp. Để có thể tiêu thụ, ngành than phải nhập một lượng than nhiệt độ cao, tỷ lệ lưu huỳnh thấp để pha trộn với lượng than này thành sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán cho các nhà máy nhiệt điện hoặc xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, kim ngạch NK than từ đầu năm đến nay tăng mạnh còn bởi ngành than sử dụng công nghệ lạc hậu, đa số các mỏ than đều phải khai thác ở độ sâu âm 200 - 300m so với mực nước biển. Ngay cả chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước. Bên cạnh đó, ngành than trong nước chịu tác động bất lợi từ cơ chế chính sách về thuế như từ 1/7/2016, thuế tài nguyên môi trường tăng trung bình 3 lần lên đến 14 - 15%. Trong khi các nước khác lại áp mức thuế khá thấp, chẳng hạn Indonesia chỉ từ 3 - 7%, Trung Quốc là 0 - 4%.
Mặc dù Việt Nam đang NK một lượng lớn than giá rẻ, trong khi lượng than tồn kho vẫn lớn nhưng Bộ Công Thương vẫn tin tưởng từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu sử dụng than tăng cao, giá than NK sẽ tiệm cận giá than sản xuất trong nước. “Thời điểm gần đây, giá than NK đã tăng so với 6 tháng đầu năm. Thời gian tới có thể ngang giá than sản xuất. Đồng thời, nhiều nước trên thế giới cũng đã có xu hướng vừa xuất khẩu, vừa NK than nên ngành than Việt Nam không phải ngoại lệ” - ông Thọ thông tin.