Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, hiện có khoảng 3.000 DN (trong tổng số 6.000 DN FDI) chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại hoặc đang xin bổ sung ngành nghề kinh doanh. Trong đó, số DN đã hết hạn là 41, đến năm 2014 có thêm 400 DN và năm 2015 có thêm 269 DN.
Mặc dù đồng tình với đề xuất của Chính phủ, nhưng các ĐBQH vẫn băn khoăn về những vấn đề xung quanh việc sửa đổi này, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), tờ trình chỉ nêu ba nguyên nhân rất chung chung, không rõ ràng, không biết nguyên nhân do đâu mà các DN không đăng ký lại. Phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và rõ nguyên nhân để từ đó khắc phục. ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, đây là lần thứ 2, Điều 170 phải trình Quốc hội sửa đổi, việc này có thể tạo tiền lệ xấu, gây bất bình đẳng giữa các DN thực hiện tốt chính sách và DN lạm dụng kẽ hở.
Một vấn đề khác cũng được ĐBQH đề cập bổ sung như thời hạn cho phép đăng ký lại, không thể là vô thời hạn. Bổ sung quy định hồi tố cho các DN FDI đăng ký lại hoạt động kinh doanh như trước thời điểm 1/7/2011; phân định rõ DN nào cần mở rộng, đăng ký lại để nắm rõ tình hình cơ cấu, để vừa khai thác yếu tố tích cực nhưng chặn ngay yếu tố tiêu cực có thể gây ra.