Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải siết chặt quản lý thực phẩm chức năng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) giả, nhái, kém chất lượng.

Có thể nói, dù công tác kiểm tra, xử lý khá nghiêm minh, nhưng đến nay, câu chuyện quản lý TPCN vẫn là một bài toán khó. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong.Phải siết chặt quản lý thực phẩm chức năng - Ảnh 1

Nhiều người coi TPCN như một thứ thuốc kỳ diệu, có thể chữa được bách bệnh với cách sử dụng rất đơn giản, song cũng có một số người cho rằng, TPCN là lừa đảo và hoàn toàn tẩy chay sản phẩm này. Vậy quan điểm của Cục ATTP về vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Theo Luật An toàn thực phẩm định nghĩa, TPCN là những sản phẩm hỗ trợ chức năng bộ phận cơ thể con người, có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoặc khoáng vật. TPCN có tác dụng làm tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh. Đối với phản ứng của dư luận về TPCN có 2 luồng ý kiến trái chiều trên, Cục  ATTP nhận định, hiểu theo cách nào cũng chưa đúng. TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế cho thuốc điều trị nhưng rõ ràng có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo thống kê, có đến hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu hành trên thị trường, theo ông bao nhiêu phần trăm trong số đó đảm bảo chất lượng?

- Bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả).  Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50 - 60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhiều DN quảng cáo TPCN như một sản phẩm thần kỳ chữa bánh bệnh khiến người tiêu dùng tin dùng nhưng tiền mất tật mang. Vậy cơ quan quản lý có chế tài nào để xử lý và hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Trong số những vi phạm về TPCN  thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng DN vi phạm về TPCN đều liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt). Để xảy ra tình trạng này, tôi thừa nhận có trách nhiệm của ngành y tế khi công tác thanh, kiểm tra chưa tiến hành triệt để. Do vậy thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm cam kết sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, cơ quan phát hành quảng cáo "siết" quảng cáo TPCN.

Vậy khó khăn trong công tác quản lý TPCN hiện nay là gì?

- Hiện nay, việc xử lý các đơn vị quảng cáo TPCN qua tờ rơi tự in ấn hoặc không có địa chỉ, tên cơ quan in ấn, số cấp phép, đăng quảng cáo trên các mục rao vặt, trang web chưa được cấp phép hay mạng xã hội đang gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Một “cái khó” nữa là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP hiện nay quá mỏng. Cả nước hiện có chưa đến 200 thanh tra chuyên ngành về ATTP trong khi có đến 500.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải thanh kiểm tra hàng năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, dường như cơ quan chức năng tập trung quản lý theo kiểu hậu kiểm “đầu ra”, còn “đầu vào” lại khó bề kiểm soát?

- Đối với một sản phẩm TPCN, để lưu hành được ngoài thị trường phải trải qua quy trình chặt chẽ từ công bố, kiểm nghiệm, ghi nhãn, điều kiện vệ sinh cơ sở, tài liệu khoa học chứng minh chất lượng, tác dụng của sản phẩm. Chỉ khi nào DN đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy thì mới được cấp phép lưu hành cho sản phẩm. Ngoài ra, đối với sản phẩm sản xuất trong nước, từ 3 - 6 tháng, DN phải kiểm tra định kỳ chất lượng sản phẩm TPCN và lưu kết quả đó. Cùng với đó, các cơ quan chức năng chủ động kiểm tra bất kỳ mẫu ngẫu nhiên. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm là phải xử lý ngay. Đối với sản phẩm nhập khẩu để được lưu hành thì trước hết phải được cơ quan chức năng của nước đó cho phép lưu hành tại bản địa.

Không tin các sản phẩm được bán trong nước, một bộ phận người sử dụng TPCN lại ưa chuộng các sản phẩm “xách tay” từ nước ngoài, ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

- TPCN “xách tay” không được phép bán ở thị trường Việt Nam vì chưa có công bố tiêu chuẩn và cũng không thông qua giám sát, cấp phép của cơ quan quản lý. Vì vậy, không thể bảo đảm rằng sản phẩm đó có an toàn cho người sử dụng hay không. Người tiêu dùng tuyệt đối không mua, sử dụng các sản phẩm “xách tay” quảng cáo là TPCN

Xin cảm ơn ông!