Để khắc phục những tồn tại này, TP đã chỉ đạo xây dựng Đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 nhằm tăng tính chủ động cho cơ sở... Tiền chưa theo kịp việc Theo đánh giá, việc phân cấp quản lý KT - XH gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã tạo điều kiện mở rộng, phát huy quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền ở cơ sở, giảm tải công việc cho TP. Qua đó đã nâng số quận, huyện tự đảm bảo cân đối ngân sách lên 7 đơn vị (giai đoạn 2006 - 2010 có 6 đơn vị), khuyến khích địa phương quản lý, khai thác nguồn thu hiệu quả. Tuy nhiên, qua đợt giám sát của HĐND TP mới đây tại các sở, ngành, quận, huyện cho thấy, một số nội dung phân cấp chưa phù hợp do không giao thêm biên chế, ngân sách. Điển hình là đưa các trung tâm y tế, các trạm y tế, các đội thanh tra xây dựng, công tác khuyến nông về TP quản lý đã gây khó khăn cho địa phương. Nhiều vụ việc cụ thể như duy tu, sửa chữa đường giao thông, thay thế bóng đèn chiếu sáng, thoát nước úng ngập thuộc TP nhưng địa phương lại phải bỏ tiền và điều này dẫn đến tình trạng sử dụng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ chi của cấp khác đang diễn ra ở nhiều nơi. Cùng với đó là những vướng mắc, chồng chéo trong triển khai thực hiện phân cấp. Theo quy định, Sở Xây dựng được giao duy trì vệ sinh, thu gom rác thải khu vực nội thành, Sở TN&MT quản lý công tác vệ sinh các tuyến đường, phố ở các huyện. Do đó, có những trục đường chạy qua cả địa bàn quận và huyện, 2 Sở cùng chịu trách nhiệm… Hay như quận, huyện quản lý chiếu sáng công cộng tại khu dân cư, nhưng tiền điện vẫn do TP trả, nên khi cháy một bóng điện phải qua rất nhiều chữ ký mới thay được. Trong lĩnh vực văn hóa cũng vậy, Sở VHTT&DL được giao quản lý toàn diện 10/5.000 di tích của TP, còn lại giao cho quận, huyện, xã, phường. Nhưng riêng về trùng tu, tôn tạo, quản lý, Sở vẫn thay mặt các địa phương trình TP danh mục đầu tư và cách làm này dễ dẫn tới cơ chế “xin - cho” giữa địa phương và sở, ngành. Cần sát thực tế, phù hợp với năng lực Trong giai đoạn ổn định tài chính 2011 - 2015, một số địa phương có nguồn thu tăng nhanh hơn nhiệm vụ chi, dẫn đến kết dư ngân sách và ngược lại. Thực tế này đòi hỏi phân cấp thế nào để địa phương không phải “mặc chiếc áo quá rộng” hay sở, ngành ôm đồm quá nhiều việc. Để khắc phục những bất cập, nhiều chuyên gia cho rằng, cấp TP chỉ trực tiếp đảm nhiệm công việc phức tạp đòi hỏi chuyên môn sâu, có tính hệ thống, phạm vi mức độ ảnh hưởng lớn. Đồng thời, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với khâu tổ chức thực hiện dịch vụ công. Cấp nào làm tốt hơn, phục vụ Nhân dân kịp thời, hiệu quả hơn thì giao cấp đó thực hiện. Phân cấp gắn liền với quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và điều kiện thực hiện, phù hợp với khả năng và đặc thù của địa phương, đảm bảo nguyên tắc “tiền theo việc”. Trên tinh thần đó, trong Đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách giai đoạn 2016 – 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các sở, ngành rà soát, đánh giá lại tất cả các lĩnh vực và TP chỉ phân cấp cho địa phương những việc làm được, tạm ngừng phân cấp việc chưa làm được; Những lĩnh vực còn bất cập, các sở, ngành báo cáo với TP hoặc kiến nghị với T.Ư để điều chỉnh. Việc phân cấp phải đi kèm điều kiện về nhân lực, vốn và tăng kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Từ những hạn chế tồn tại trong thời gian qua và chủ trương điều chỉnh hợp lý, linh hoạt trong triển khai, chắc rằng, việc phân cấp KT - XH giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tạo chủ động cho cấp cơ sở, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế Thủ đô phát triển.