Các vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh, quân đội Pháp đang ngày càng thể hiện vai trò trong nhiều cuộc khủng hoảng tại khu vực, mà mới đây nhất là tại Mali. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước này đang cẩn trọng theo dõi tình hình ở Yemen.
Trước đó, Pháp đã tăng cường an ninh quanh các phái bộ ngoại giao của nước này sau khi xảy ra vụ tấn công ở Lybia. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng nhấn mạnh, Chính phủ Pháp đã yêu cầu phía Lybia nhanh chóng mở cuộc điều tra nhằm xác định thủ phạm vụ tấn công, đồng thời cảnh báo “những kẻ khủng bố” sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình.
Đại sứ quán Pháp tại Lybia sau vụ đánh bom ngày 23/3. Ảnh: BBC
Trước đó, hôm 23/3, một chiếc xe đỗ ngoài cổng chính tòa nhà Đại sứ quán Pháp tại thủ đô Libya đã phát nổ, phá sập bức tường bao quanh và khiến bên trong tòa nhà bị hư hại nặng. Đây được cho là vụ tấn công đầu tiên vào phái bộ nước ngoài tại thủ đô Tripoli kể từ khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Chính phủ Lybia lập tức gọi đây là hành vi khủng bố.
Điều đáng nói là tình hình này khiến kế hoạch của các nhà ngoại giao Pháp sang thăm Libya nhằm bàn thảo về kế hoạch hỗ trợ quá trình tái thiết quốc gia Bắc Phi này đã phải ngừng lại.
Trước thời điểm xảy ra các vụ tấn công trên, Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 18/4 đã cảnh báo về việc nước này đang phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng kể từ khi nước này quyết định tham chiến tại Mali. Dù cam kết sẽ làm mọi cách để đảm bảo an toàn của người dân nước này do Chính phủ luôn củng cố các biện pháp an ninh nhưng những diễn biến này đã đẩy Tổng thống Pháp vào cảnh khó ăn khó nói với người dân vì không giữ được lời hứa.
Những vụ tấn công nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao Pháp tại nước ngoài diễn ra trong bối cảnh Pháp đang ngày càng thể hiện vai trò đi đầu trong việc giải quyết khủng hoảng tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Không chỉ ở Lybia và Yemen, từ vài năm trở lại đây, các sứ quán Pháp ở Iraq, châu Phi cũng bị đe dọa tấn công. Đầu tháng 1, một công dân Mali gốc Tunisia là người của bọn Al-Qaeda đã ném lựu đạn vào đại sứ quán Pháp ở Bamako (Mali).
Mùa hè năm 2009, một vụ đánh bom tự sát cũng đã xảy ra tại Cơ quan ngoại giao Pháp ở Nouakchott (Mauritania). Từ đầu những năm 2.000, các thủ lĩnh Al-Qaeda đã tổ chức họp để thảo luận xem có đưa Pháp vào danh sách mục tiêu toàn cầu và việc Pháp đang trở thành mục tiêu tấn công của những tay súng cực đoan là hệ quả tất yếu của quyết tâm truy quét các nhóm khủng bố ở Mali, Afghanistan. Ngoài việc trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố, sự việc các mục tiêu ngoại giao của Pháp ở nước ngoài bị tấn công còn làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín vốn đã xuống thấp kỷ lục sau một năm Tổng thống Hollande lên nắm quyền.
Nếu không nhanh chóng có biện pháp xử lý, trước khi khẳng định được vị thế của một Tổng thống có tài ngoại giao, ông Hollande sẽ mất đi sự ủng hộ cần thiết của người dân để điều hành đất nước.