Từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Oai đã chủ động phòng chống các dịch bệnh khác như sởi, tay chân miệng, SXH... Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay tạo điều kiện cho dịch SXH bùng phát.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đến thăm gia đình có người mắc sốt xuất huyết đầu tiên tại thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai. |
Tính đến ngày 9/6, trên địa bàn huyện Thanh Oai ghi nhận 33 trường hợp mắc SXH tại 11/21 xã, thị trấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 (17 ca). Ghi nhận 8 ổ dịch tại các xã Thanh Thùy (2 ổ dịch); xã Tam Hưng (2 ổ dịch) và tại một số xã như Phương Trung, Dân Hòa, Kim An, Cao Dương. Tại xã Thanh Thùy, ghi nhận 18 ca mắc phân bố tại 4/6 thôn, toàn xã có 2 ổ dịch tại thôn Rùa Hạ (11 ca), thôn Gia Vĩnh (4 ca). Hiện còn 8 ca đang được điều trị. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn Rùa Hạ, TTYT huyện Thanh Oai đã phối hợp với trạm y tế tổ chức nhiều đợt phun hóa chất, vệ sinh môi trường, tổ chức thả cá diệt bọ gậy tại tất cả các hộ gia đình.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đi kiểm tra các hộ gia đình trên địa bàn xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai. |
Đồng thời, huyện Thanh Oai đã triển khai các biện pháp như tăng cường công tác điều tra, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh tại tại cộng đồng. Tuyên truyền, vận động người dân tiến hành các biện pháp phòng chống SXH như phủ màn, che đậy kín các bể chứa nước lộ thiên tại các hộ gia đình để không cho muỗi sinh sản và phát triển.
Tổ chức tập huấn cho các đội giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy tại các hộ gia đình trên địa bàn xã, đồng thời phân công công việc cụ thể cho từng thành viên trong tổ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, bằng nhiều hình thức khác nhau như phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ gia đình, trường học; phát qua hệ thống loa truyền thanh của xã; truyền thông lưu động tại khu dân cư, thôn xóm nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống SXH.
Nhiều dụng cụ chứa nước của người dân vẫn chưa được đậy kín, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. |
Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh yêu cầu chính quyền địa phương cần huy động các ban ngành, đoàn thể tham gia phòng chống dịch. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh hằng ngày, hàng tuần, giám sát ổ dịch cũ, giám sát côn trùng, mật độ muỗi đẻ để đưa ra cảnh báo sớm về dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đây là việc làm quan trọng nhất để phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại địa bàn, những nơi nào tiềm ẩn nguy cơ cao cần tiến hành giám sát chặt chẽ, khoanh vùng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, TTYT cần kiểm tra, rà soát lại máy móc, trang thiết bị bảo hộ, hóa chất, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch bệnh SXH.