Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện vụ vận chuyển 550kg thịt lợn sữa và 1 tấn mỡ "bẩn"

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Ngày 5/1, Trạm cảnh sát giao thông Quốc lộ 1A (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã phát hiện, bắt giữ một xe ôtô khách vận chuyển gần 550kg thịt lợn sữa.

Toàn bộ số thịt lợn sữa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại km 378 trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Tổ tuần tra kiểm soát của Trạm cảnh sát giao thông Quốc lộ 1A đã phát hiện xe ôtô khách biển kiểm soát 75B-007.57 do Lê Huy, sinh năm 1971, thường trú tại tổ dân phố 2, xã Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế điều khiển vi phạm luật giao thông đường bộ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển gần 550kg thịt lợn sữa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
 Hơn 500kg thịt lợn sữa không rõ nguồn gốc bị bắt giữ. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)
Theo khai nhận ban đầu, lái xe Lê Huy nhận vận chuyển số hàng trên từ Quảng Trị ra Thanh Hóa để tiêu thụ, tuy nhiên đến địa bàn huyện Tĩnh Gia đã bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, bắt giữ.
Hiện lực lượng cảnh sát giao thông đã hoàn tất hồ sơ bàn giao phương tiện và toàn bộ số hàng trên cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định cho biết Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an huyện Trực Ninh đã phát hiện, bắt giữ xe ôtô vận chuyển hơn 1 tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ trên tỉnh lộ 490C, đoạn qua địa phận xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh vào đêm 4/1.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra xe ôtô mang biển kiểm soát 18C-015.61 do ông Đoàn Văn Giao (54 tuổi, trú tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) điều khiển, lưu thông theo hướng huyện Trực Ninh đi huyện Hải Hậu, phát hiện trên xe chở 22 bao tải chứa mỡ động vật.
Chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số mỡ động vật nên lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ lô hàng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Đoàn Văn Giao thừa nhận toàn bộ số mỡ động vật trên là do gia đình ông sản xuất. Để tạo ra hơn 1 tấn mỡ, gia đình ông phải thu mua nguyên liệu từ các lò giết mổ trên địa bàn và làm từ 5-15 ngày. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại huyện Hải Hậu. Thực tế, ông Giao cũng không khẳng định được chất lượng của sản phẩm này.
Trung tá Bùi Quang Vinh, Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường Công an huyện Trực Ninh nhận định các đối tượng vận chuyển, buôn bán thực phẩm “bẩn” thường có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng như vận chuyển hàng vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ...
Theo ông Phạm Ngọc Hoan, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định, dịp Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra hàng hóa lưu thông trên các tuyến đường, tại các chợ và một số cửa hàng bán thực phẩm để hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ./.