Đó chính là kết quả của việc nỗ lực phát huy được quyền dân chủ trực tiếp, thực hiện tốt chức năng chăm lo và đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ). Tạo diễn đàn Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội Vũ Kim Sơn cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả quy định của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, UBND TP và Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và hội nghị NLĐ, đồng thời kiểm tra việc thực hiện. Từ những hình thức dân chủ tại cơ sở đã tạo diễn đàn để người đứng đầu đơn vị nắm bắt được nguyện vọng của CNVCLĐ; phát huy dân chủ, ý thức của NLĐ chia sẻ với DN.
Với 79 công đoàn cơ sở (CĐCS), 4.620 đoàn viên, trong đó có 35 CĐCS tại DN, LĐLĐ huyện Phúc Thọ xác định, tình trạng sản xuất kinh doanh không đồng đều giữa các ngành khiến NLĐ thiếu việc làm, sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tư tưởng của họ, nên việc tổ chức hội nghị NLĐ phải được thực hiện tốt để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của NLĐ, tạo điều kiện cho họ quyết định và giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến mình. Kết quả là 100% cơ quan, đơn vị tại huyện đã tổ chức hội nghị CBCCVC, 72% DN tổ chức hội nghị NLĐ, 51% DN ký thỏa ước lao động tập thể… “Các hội nghị toát lên không khí dân chủ, thảo luận nhiều biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Cũng qua đó, DN đã công khai kế hoạch tài chính, sản xuất, lương, thưởng, phúc lợi xã hội…” - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Hòa chia sẻ. Từ đầu năm đến nay, hơn 83% đơn vị trên địa bàn TP đã tổ chức được hội nghị NLĐ và hội nghị CBCCVC, hơn 52% đơn vị xây dựng quy chế hội nghị NLĐ, 44% đơn vị xây dựng quy chế đối thoại nơi làm việc, hơn 99% đơn vị có Ban thanh tra Nhân dân, gần 54% DN có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, nhiều bản thỏa ước có nội dung có lợi cho NLĐ như: Thời gian làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, thưởng; nâng cao tay nghề; đảm bảo mức ăn ca của NLĐ tối thiểu 15.000 đồng… Những địa phương, đơn vị làm tốt là quận Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, công đoàn ngành giáo dục, Công ty TNHH Maxcore (huyện Ứng Hòa)… Riêng trong Tháng Công nhân 5/2016, công đoàn các cấp đã tổ chức hơn 1.000 buổi đối thoại tại DN với hơn 65.000 CNLĐ và chủ DN tham gia. Đặc biệt, NLĐ đánh giá hội nghị lãnh đạo TP tiếp xúc với CNLĐ các khu công nghiệp và chế xuất có tác động rất thiết thực, khi người đứng đầu chính quyền TP đã trực tiếp trả lời 33 kiến nghị của CNLĐ và lãnh đạo DN. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP ký văn bản chỉ đạo 13 sở, ngành, UBND quận, huyện khẩn trương giải quyết những đề xuất của CNLĐ; gần 41% CĐCS tại DN phối hợp tổ chức đối thoại giữa công đoàn - chủ DN và NLĐ. Đảm bảo quyền lợi, phúc lợi tốt hơn Bên cạnh phối hợp tổ chức tốt các cuộc đối thoại với NLĐ, công đoàn các cấp TP cũng tích cực phối hợp kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật lao động tại DN, cải thiện môi trường làm việc, thực hiện chế độ lương, thưởng, hỗ trợ chăm lo Tết cho NLĐ… Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Các cấp công đoàn sẽ tổ chức cho CNVCLĐ tham gia góp ý nhiều hơn vào văn bản của Nhà nước về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Không chỉ chăm lo từ điều nhỏ nhất như chất lượng bữa ăn, động viên công nhân có hoàn cảnh khó khăn…, công đoàn cũng cần phối hợp tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, BHXH tại DN, nhằm kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc.
Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long phát biểu trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội (ngày 26/5). Ảnh: Phạm Hùng |