Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tạo dựng niềm tin với người dân

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người lao động tự do là đối tượng chính để phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.

Tuy nhiên, để khai thác thị trường đầy tiềm năng này, cần xây dựng cho người lao động sự tin tưởng vào chế độ, chính sách mà BHXH tự nguyện mang lại. Điều này phụ thuộc không nhỏ vào công tác tuyên truyền chính sách tại các đại lý thu.
Tỷ lệ tham gia thấp

Mặc dù từ 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng với mức hỗ trợ cao nhất lên tới 30% với đối tượng hộ nghèo. Song, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ rõ, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp so với tiềm năng. Tính đến 30/9/2018, cả nước mới có 189.502 người tham gia, đạt 57,2% kế hoạch được giao. “Điều này cho thấy, chúng ta chưa thực sự nỗ lực hết mình trong việc vận động người dân. Đến nay có tới 48 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH so với năm 2017. Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2018, toàn ngành cần phải phát triển 141.730 người tham gia. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn đối với các địa phương” – ông Liệu nhận định.
 Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa BHXH Hà Nội.
Cũng theo ông Liệu, nguyên nhân chủ yếu là do một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc chuyển đối tượng theo quy định. Đặc biệt, người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thu nhập còn thấp và không ổn định, nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp cũng là một trong những lý do khiến người dân chưa mặn mà. Cụ thể, khi tham gia BHXH bắt buộc thì người tham gia được hưởng 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Phối hợp với bưu điện

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, một số tỉnh có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện cao là Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế. Từ kinh nghiệm của những địa phương này cho thấy, đội ngũ nhân viên đại lý thu, cộng tác viên ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, thuyết phục và vận động Nhân dân tham gia vào chính sách này.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Bưu điện Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, việc phối hợp với ngành BHXH trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện luôn là nhiệm vụ quan trọng của ngành bưu điện. Là một kênh đại lý lớn của ngành BHXH trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, thời gian qua, bưu điện đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền theo hình thức thương mại ở 20 tỉnh, TP. Tính đến nay, bưu điện đã tổ chức được 336 hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, qua đó vận động được gần 8.000 người tham gia. Năm 2019, bưu điện đặt mục tiêu tổ chức hơn 8.780 hội nghị tuyên truyền, với kỳ vọng vận động thêm 219.600 người tham gia BHXH tự nguyện. “Từ 1/12/2018, Tổng Công ty Bưu điện sẽ triển khai Đề án phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thông qua mô hình tổ chức hội nghị tuyên truyền tại tất cả các tỉnh, thành. Từ 1/1/2019, mỗi tuần, bưu điện sẽ tổ chức một chiến dịch ra quân tại một quận/huyện để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện” – ông Phạm Anh Tuấn cho hay.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị BHXH các tỉnh, TP cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý thu. Tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành. Đặc biệt, cần lựa chọn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho từng đại lý thu cũng như đánh giá, khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu, từ nay đến trước ngày 15/1/2019, BHXH các tỉnh, TP phải hoàn thiện chi tiết Đề án phát triển BHXH tự nguyện để gửi về BHXH Việt Nam.

Danh sách 15 đơn vị nợ bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội

1. Công ty TNHH Đầu tư và Xây Dựng Thành Long (tầng 8, tòa nhà Kim Hoàn Lô D14, khu đô thị (KĐT) mới Cầu Giấy, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) nợ 4.679.864.259 đồng.

2. Công ty CP Hoàng An (KM15+500 Quốc lộ 6 A, phường Yên Nghĩa, Hà Đông) nợ 4.572.905.903 đồng.

3. Công ty CP Tường kính TID (tầng 14, số 4 Liễu Giai, phường Cống Vị, Ba Đình) nợ 4.551.668.840 đồng.

4. Công ty CP Truyền hình Cáp Hà Nội (số 30 Trung Liệt, phường Trung Liệt, Đống Đa) nợ 4.446.992.280 đồng.

5. Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình giao thông 874 (324 Khương Đình, phường Hạ Đình, Thanh Xuân) nợ 4.420.141.531 đồng.

6. Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp PVV (tầng 2, Tòa nhà PVV, KĐT Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm) nợ 4.168.115.467 đồng.

7. Công ty CP LICOGI 13 - Vật liệu xây dựng (tầng 1 Đơn nguyên A, Tòa nhà LICOGI13 đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) nợ 4.150.077.768 đồng.

8. Công ty CP Công nghệ DTT (số 18 lô C2 KĐT Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, Cầu Giấy) nợ 4.110.630.613 đồng.

9. Công ty CP Đồng Tháp (số 129D, đường Trương Định, phường Trương Định, Hai Bà Trưng) nợ 4.030.657.445 đồng.

10. Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (ngõ 109, đường Trường Chinh, Thanh Xuân) nợ 4.009.766.389 đồng.

11. Công ty CP Giao thông Hà Nội (Km15 + 500 QL 6A, phường Yên Nghĩa, Hà Đông) nợ 3.955.264.651 đồng.

12. Nhà xuất bản Lao động xã hội (36 ngõ Hòa Bình 4, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) nợ 3.889.419.783 đồng.

13. Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) nợ 3.883.917.350 đồng.

14.Công ty CP Kỹ thuật điện Sông Đà (Nhà lô 141, khu giãn dân Mỗ Lao, quận Hà Đông) nợ 3.711.543.640 đồng.

15.Công ty CP Cơ khí & XD số 10 Thăng Long (49 Lãng Yên, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) nợ 3.739.060.732 đồng.

Danh sách nợ tính đến 1/1/2018