Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển bền vững báo chí Việt Nam: Phải đa dạng hóa nguồn thu

Hà Thanh - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự cạnh tranh ngày một gia tăng của mạng xã hội, báo chí chính thống trong nước đang đứng trước bài toán sống còn: Làm thế nào để gia tăng nguồn thu nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung khách quan, đúng tôn chỉ mục đích.

Sức ép ngày càng lớn từ mạng xã hội
Ngày 11/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu: Đây là cuộc tọa đàm mở của lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các chuyên gia truyền thông… về những khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay, những nỗ lực gỡ khó và kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Thái)
Mở đầu Diễn đàn, Tổng Biên tập báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy đặt vấn đề, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.
Đại dịch Covid-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí.
Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể, còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm trong nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội vừa giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời, ông Huy nói.
Nói về áp lực cạnh tranh mà báo chí đang gặp phải, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, nền tảng số xuyên biên giới đang ảnh hưởng trực tiếp về nguồn thu đối với kênh báo chí chính thống.
Cụ thể, với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, nhưng năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới.
Theo xu hướng này, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: Các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook...
Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác. Có các hoạt động “thúc ép” doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Bị “mắc kẹt” trong cái bẫy “hợp đồng truyền thông" như vậy báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả.
Về giải pháp, ông Lưu Đình Phúc cho rằng, nếu báo chí bị quá phụ thuộc vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu của Nhà nước hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó là sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Với bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí. Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí thì cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền.
Bên cạnh đó báo chí cần ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc thực hiện nội dung để có thể cạnh trạnh với các phương tiện truyền thông mới. Có thể kể đến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, phóng viên robot, hay trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp báo chí có thể có thêm bản app và phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng traffic cho báo như App News Vietnam. Một số tập đoàn công nghệ lớn trong nước cam kết đồng hành cùng báo chí, ông Phúc tư vấn.
Đồng quan điểm với nhận định trên, các Tổng biên tập cơ quan báo chí đều nhận định nguồn thu đang bị ảnh hưởng lớn bởi mạng xã hội và xu hướng ngày càng phát triển. Đáng chú ý, đợt dịch Covid-19 vừa qua đã khiến thực trạng này càng bộc lộ rõ ràng hơn. Không chỉ thua kém về công nghệ, báo chí chính thống còn bị bó buộc hơn rất nhiều trong việc sản xuất nội dung, không thể giật tittle, câu views… như truyền thông xã hội, đây cũng là nguyên nhân chính khiến lượng độc giả ngày càng giảm kể cả báo điện tử lẫn báo in.
Để giúp báo chí có thể tồn tại và phát triển trước sự cạnh tranh của mạng xã hội nhưng vẫn đảm bảo thông tin khách quan, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thì cần có một số chính sách hỗ trợ. Có thể kể đến như chính sách giúp điều hướng một phần doanh thu quảng cáo từ mạng xã hội trở lại thị trường quảng cáo trong nước, yêu cầu nhà mạng chia sẻ một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho bạn đọc, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí hoặc hỗ trợ qua cơ chế đặt hàng...
Cần chính sách hỗ trợ
Chia sẻ tại Diễn đàn, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí hiện đang phải đối diện với nghịch lý là mặc dù có cơ chế tài chính giống như doanh nghiệp, cũng phải lo kinh phí vận hành bộ máy như: Chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... và phải gánh nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng nội dung thông tin, hoạt động theo Luật Báo chí. Nhưng lại không thể vì chuyện doanh thu giảm mà dừng sản xuất báo, hay vì tăng doanh thu mà bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. 
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Thái)
Trên thực tế, nguồn lực và giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước vấn đề sống còn đó là nguồn thu suy giảm mạnh khi sự cạnh tranh của mạng xã hội ngày một gia tăng. Vậy báo chí sẽ “trụ” thế nào trước vòng xoáy đó? Nhất là khi đại dịch Covid-19 như một cơn bão khổng lồ càn quét nền kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó báo chí đã bị ảnh hưởng nặng nề, ông Nguyễn Minh Đức đặt ra câu hỏi.
Đa dạng hóa nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự trường tồn của các tòa soạn hiện nay, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị đưa ra giải pháp. Và để làm được điều đó báo chí cần hoạt động một cách chuyên nghiệp. Trong đó, việc nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả; tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, tổ chức đơn vị kinh doanh trực thuộc nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng.
Cách đây chục năm, báo Kinh tế & Đô thị chỉ có 2 nguồn thu chính: Nhà nước đặt hàng và phát hành báo. Đến nay có thêm 3 - 4 nguồn thu mới mang tính chủ lực, đó là quảng cáo, tổ chức sự kiện, liên kết… Thay vì chú trọng báo in thì nay đã đa dạng hóa sản phẩm, phát triển truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh phát triển tòa soạn hội tụ; phóng viên, biên tập viên có thể làm được tất cả các thể loại, loại hình báo chí, thực hiện tất cả các vai để tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm, hỗ trợ phát hành và làm quảng cáo truyền thông.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, báo chí chúng ta trước tiên phải tự cứu lấy mình thay vì ngồi chờ "trời" cứu, ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.
Tuy nhiên bên cạnh sự tự lực cánh sinh, báo chí cũng cần sự quan tâm một cách thiết thực từ phía Nhà nước. Cần thiết Chính phủ, địa phương cùng các cơ quan chức năng có những chính sách cụ thể, minh bạch và đồng bộ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí. Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cần được xác lập đi đôi với việc bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ, xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với báo chí - truyền thông. Nhà nước không nên áp dụng chung cơ chế tài chính của cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp công lập, mà cần có chính sách riêng.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để cơ quan báo chí được kinh doanh công khai, minh bạch. Báo chí hiện được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng hiện nay, quy định liên quan đến yếu tố kinh doanh của báo chí lại đang thực hiện theo Luật Báo chí 2016. Từ đó nảy sinh vấn đề “kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ được quản lý như thế nào, các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao? Nên có cơ chế để cơ quan báo chí có thể mở rộng mô hình kinh doanh.
Không những thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế đối với báo chí. Xét về cả tính chất, chức năng và nội dung hoạt động, cơ quan báo chí không thể được xem là một doanh nghiệp thuần túy, bởi vì doanh nghiệp được thành lập là để kinh doanh còn cơ quan báo chí phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là một thứ sản phẩm có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Do đó, cần có cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với quảng cáo trên báo điện tử như quảng cáo trên báo in 10%.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí. Hiện nay, các nhà mạng đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Nghịch lý là, để có tác phẩm báo chí tốt, chất lượng tới bạn đọc điện tử, tòa soạn Báo đã phải chi rất nhiều khoản chi phí nhưng lại không thu được kinh phí từ việc này. Bạn đọc đang đọc báo điện tử miễn phí, chỉ phải trả tiền mạng. Do đó, cần có chính sách win-win giữa nhà mạng và báo điện tử về vấn đề chia sẻ lợi nhuận.

Ngày 21/6 năm nay, báo chí Việt Nam kỷ niệm 95 năm hành trình song hành cùng đất nước trong trạng thái “bình thường mới” giữa mùa dịch. Thời cuộc đang thử thách đất nước, đồng thời thử thách cả đội ngũ những người làm báo khi nhiều vấn đề nội tại của cơ quan báo chí đang bộc lộ cùng một lúc.

Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi báo chí cách mạng và đội ngũ nhà báo, người làm báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của báo chí trong việc đưa tin, định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Đại dịch Covid-19 và lộ trình thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cùng một lúc tác động, khiến các tòa soạn báo tại Việt Nam bộc lộ những vấn đề nội tại không thể giải quyết. Nhưng dù cuộc cách mạng đổi mới có tổn thương đến đâu, dù việc giải quyết những vấn đề nội tại có khó đến mức nào, nhưng nếu được tiếp thêm nguồn lực, báo chí cũng sẽ làm tốt hơn nữa sứ mệnh thông tin và định hướng dư luận xã hội. Thông điệp mà diễn đàn “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” tạo nên, chắc hẳn sẽ là nguồn động lực để báo chí tiếp tục vững tin trên sự nghiệp thông tin của mình.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi