70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển bền vững đô thị cần bảo tồn di sản kiến trúc cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với bề dày lịch sử trên 300 năm, TP Hồ Chí Minh đã được để lại nhiều di sản là kiến trúc cổ. Nếu biết phát huy, các di sản này sẽ là địa điểm thu hút khách du lịch, sẽ góp phần vào phát triển kinh tế xã hội cho TP.

 Trước thực trạng, những năm qua do sức ép phát triển kinh tế làm cho cảnh quan kiến trúc đô thị TP Hồ Chí Minh có những biến đổi càng hiện đại. Tuy nhiên, bài toán nan giải được đặt ra là thế nào hài hòa giữa phát triển hiện đại và bảo tồn kiến trúc đô thị cổ luôn làm trăn trở các cấp quản lý và các nhà kiến trúc.
 Biệt thự cổ tại số 110 – 112 Võ Văn Tần, Q.3, TP HCM (nguồn trên mạng)
Biệt thự cổ tại số 110 – 112 Võ Văn Tần, Q.3, TP HCM. Nguồn Internet.
Tại buổi tọa đàm “Di sản văn hóa trong tiến trình phát triển Đô thị bền vững TP Hồ Chí Minh” do Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát và Trường ĐH Bách Khoa TP HCM tổ chức ngày 14/11. KTS Ngô Mạnh Hùng cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà hầu như tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải khó khăn và thách thức trong việc bảo tồn di sản và phát triển đô thị như Anh, Pháp, Singapore, HongKong… Tuy nhiên, các nước này đã biết cách phát huy và bảo tồn các di sản và nhiều thành phố đã được UNESCO công nhận là những di sản vật thể của nhân loại. Và các di sản đó lại là động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nên bản sắc của thành phố thu hút và phát triển du lịch và nâng tầm những thành phố đó trên bản đồ thành phố đáng sống trên thế giới.

TP HCM có bề dày lịch sử hơn 300 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và chế độ khác nhau. Vì vậy dấu ấn kiến trúc đô thị cũng thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Theo TS.KTS Ngô Minh Hùng, di sản kiến trúc TP HCM chia thành các giai đoạn khác nhau: Di sản kiến trúc giai đoạn thời kỳ phong kiến Triều Nguyễn (1698 – 1860); Di sản kiến trúc thời Pháp (1861-1954)... Trong những thời kỳ đó, thì những di sản kiến trúc thời Pháp (1861-1954) đã để lại nhiều công trình nhất, hiện nay TP HCM có 1.300 -1.500 biệt thự cổ thời Pháp.

Ở TP HCM, trong một thời gian dài đã quên đi vai trò của các di sản kiến trúc cổ trong phát triến đô thị bền vững. Ngoài mở rộng không gian đô thị ra xung quanh do sức ép về dân số, tại khu vực trung tâm quận 1, quận 3 tập trung nhiều công trình nhiều biệt thự cổ đã bị đập bỏ để xây dựng các công trình cao ốc làm mất đi không gian kiến trúc hài hòa của TP . Cũng theo ông Hùng trong 10 năm quy hoạch và tái thiết, TP HCM đã mất đi 10% các di sản kiến trúc cổ.

Trước nguy cơ các công trình kiến trúc cổ ở TP HCM bị xâm hại và phá bỏ ngày càng nhiều. Từ giữa những năm 1990, TP HCM đã có nhiều động thái để bảo tồn các không gian cảnh quan kiến trúc đô thị cổ. Trên cơ sở Luật Di sản, TP đã xây dựng chương trình hành động bảo vệ cảnh quan kiến trức đô thị, năm 2013 đã thành lập Hội đồng Phân loại biệt thự và tổ kỹ thuật, đã tiến hành kiểm kê các công trình kiến trúc văn hóa.

Theo Ths.KTS Phạm Trần Hải, trong quá trình tiến hành phân loại và đưa vào danh sách những công trình kiến trúc cũng gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều công trình biệt thự cổ thuộc tư nhân sỡ hữu không muốn đưa công trình của minh vào danh sách quản lý bảo tồn di sản. Vì đa phần các biệt thự cổ đều nằm trên những khu đất đắc địa có giá trị rất lớn, khi những biệt thự này được công nhận di sản họ không chịu vì khi sửa chữa hay mua bán sẽ rất khó khăn.

Do đó, để bảo tồn không gian kiến trúc đô thị ông Hải cho rằng Nhà nước cần phải có chính sách phù hợp dựa trên nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích công và tư. Cần có Những cơ chế riêng cho các chủ sở hữu như miễn giảm các loại thuế, cần dành một phần vỉa hè để làm chỗ giữ xe khi có du khách tham quan…

Không gian kiến trúc đô thị cổ ở TP HCM, ngoài vai trò lưu giữ những giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Nó còn là một trong những động lực để thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, nâng cao vị thế của thành phố trên phạm vi toàn thế giới về phát triển đô thị bền vững.