Để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn phục vụ du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa tại đây.
Chưa tương xứng tiềm năng
Phát biểu đề dẫn tọa đàm ông Lâm Văn Khang – Quyền Trưởng ban BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam khẳng định: “6 năm qua, trong điều kiện vừa tiếp tục đầu tư xây dựng, vừa khai thác phục vụ hoạt động du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phát huy ưu thế của một khu du lịch – văn hóa, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc giới thiệu không gian văn hóa dân tộc, tổ chức hoạt động của đồng bào các dân tộc, tạo nên nét đặc trưng riêng có, ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế”.
Với hàng trăm lễ hội được tái hiện, trên 6 nghìn lượt đồng bào luân phiên hoạt động tại Làng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức, đến nay đã có hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam – ông Khang cho biết thêm.
Đặc biệt từ gần 2 năm qua, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức hoạt động hàng ngày của một số dân tộc, hoạt động cuối tuần của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTT&DL biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các hoạt động văn hóa, du lịch theo chuyên đề. Cùng với đó, Làng đã bổ sung dịch vụ và một số điều kiện cần thiết phục vụ khách du lịch, từng bước định hình sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng có. Tuy nhiên, so với lợi thế về vị trí, tiềm năng về tự nhiên, môi trường; các giá trị văn hóa dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và mục tiêu hướng tới Khu Du lịch quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì hoạt động du lịch của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Sản phẩm du lịch hiện có chưa đáp ứng tốt yêu cầu thị trường; việc khai thác lợi thế của một khu du lịch - văn hóa còn hạn chế; công tác quảng bá xúc tiến chưa chuyên nghiệp; nhân lực phục vụ hoạt động du lịch thiếu; các dịch vụ du lịch chưa nhiều...
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Khu Các làng Dân tộc trực thuộc Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã giới thiệu một cách khái quát về tài nguyên du lịch, các loại hình du lịch, đồng thời xác định phân khúc thị trường và các sản phẩm du lịch của “Ngôi nhà chung”, chương trình điểm hẹn văn hóa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng thời mong muốn cộng đồng chung tay đưa Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn của “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc.
Mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã khẳng định vị thế, vai trò của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam bên cạnh đó ông Thọ cũng nêu ra một số giải pháp xây dựng, hoàn thiện sản phẩm và phát triển du lịch tại “Ngôi nhà chung”. Cụ thể: nên tập trung vào khía cạnh du lịch một cách cụ thể: khôi phục vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại phù hợp với du khách trong nước và quốc tế, phải là nơi kinh doanh – đón khách du lịch. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế nhất định phân cấp quản lý một cách rõ ràng về các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, các hoạt động sự nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động du lịch.
Ông Phạm Hải Quỳnh – Chủ tịch CLB cộng đồng CTC “Làng Văn hóa đã thay da đổi thịt trong 2 năm. Tuy nhiên Khu các Làng dân tộc cần hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo giữ được bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Hoàn thiện các dịch vụ du lịch để tạo thành một sản phẩm “tròn hơn” trong vòng tròn 54 dân tộc.
Cùng quan điểm của ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Nguyễn Quang Lân khẳng định: Trong một thời gian ngắn, các sản phẩm, dịch vụ của Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam đã dần hoàn thiện, hội nhập. Tuy nhiên, cần mạnh dạn kêu gọi đầu tư và xã hội hóa các hoạt động du lịch tại “Làng”. Và đặc biệt cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch một cách đồng bộ.
Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần có những hoạt động và sản phẩm mang tính điểm nhấn như công viên chủ đề và tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông.
“Có một cây gạo ven bờ sông mà có ngày thu hút tới 1.000 khách tới chụp ảnh, tắc cả đường. Hay một lễ hội hoa thu hút rất đông người dân, rõ ràng nhu cầu người dân Thủ đô với các hoạt động du lịch, giải trí là rất lớn” – ông Nguyễn Quý Phương chia sẻ và cho rằng, Làng Văn hóa, du lịch có rất nhiều tiềm năng để tạo ra các chủ đề cho khách du lịch.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lâm Văn Khang – Quyền Trưởng Ban, BQL Làng Văn hóa – Du lịch Việt Nam cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và mong rằng trong giai đoạn sắp tới sẽ được phối hợp với các cơ quan, tổ chức tiếp tục chung tay để đưa “Ngôi nhà chung” thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch.