Kinh phí quảng bá eo hẹp Gần 10 năm qua, chuỗi chương trình xúc tiến du lịch hoành tráng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… được tổ chức ngay tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Chẳng cần phải mất công, thời gian tìm hiểu trên các diễn đàn du lịch hay sách báo, người dân Việt Nam trở thành “thượng đế” được ngành du lịch các nước tới tận nơi giới thiệu, chào bán các tour với mức giá hợp lý kèm các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Câu chuyện du khách Việt Nam sang Thái, Malaysia, Singapore “như đi chợ” hay sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng sang Nhật Bản ngắm hoa anh đào, sang Hàn để gặp thần tượng… cho thấy hiệu quả của các chương trình xúc tiến, quảng bá này.
Trong 5 năm qua, dù khủng hoảng kinh tế thế giới khiến người dân nhiều nước phải hạn chế thú vui du lịch, nhưng ngành du lịch Thái Lan và Singapore vẫn tăng trưởng trung bình 12% và 10%/năm. Ngay tại nước láng giềng Lào, lĩnh vực du lịch đã tăng trưởng 15%, gấp hơn 2 lần so với con số 6,5% của Việt Nam. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này là do ngân sách quảng bá du lịch hàng năm của Việt Nam chỉ ở mức 2 triệu USD, bằng khoảng 2,9% mức chi tương tự của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Với nguồn ngân sách ít ỏi này, du lịch Việt khó có thể xuất hiện thường xuyên trên những hãng truyền hình quốc tế uy tín như CNN, BBC. Đó là chưa kể đến việc định hướng đưa thông tin quảng cáo trên các kênh truyền tin tức không hiệu quả bằng các kênh truyền hình chuyên về thể thao giải trí, du lịch như ESPN, Star Sport, TLC – điều mà Malaysia, Singapore và Thái Lan đã lựa chọn từ nhiều năm qua. Tất nhiên, với Việt Nam, thu xếp nguồn kinh phí 2 triệu USD để chi cho quảng bá du lịch giữa bộn bề lo toan là cả một sự cố gắng, nhưng chính sự thiếu chủ động khiến ngành du lịch Việt Nam bị tuột mất cơ hội hút khách. Như chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: “Trong chuyến công tác mới đây, tôi giật mình khi nhìn thấy khẩu hiệu “Thailand: Kitchen of the World” (Thái Lan: Bếp ăn của thế giới) tại sân bay Bangkok. Bởi lẽ, ý tưởng xây dựng "bếp ăn của thế giới" là gợi ý của chuyên gia marketing hiện đại Phillip Kothler dành cho “đất nước hình chữ S”. Trong khi chúng ta vẫn đang bàn luận về nó thì người Thái đã hiện thực hóa ý này”. Rõ ràng, so với các nước láng giềng khu vực, Việt Nam đang thua kém rất nhiều trong lượng vốn đầu tư, cách thức đầu tư cho quảng bá, tuyên truyền du lịch. Những cách làm hiệu quả Giữa lúc ngành du lịch gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí phải đối mặt với các thảm kịch khủng khiếp như 2 tai nạn hàng không kinh hoàng năm 2014, ngành du lịch Malaysia vẫn thu hút được 27,5 triệu lượt khách. Chia sẻ bí quyết giúp ngành du lịch vượt qua “nghịch cảnh”, Phó Tổng Giám đốc Cục Xúc tiến du lịch Malaysia Chong Yoke Har cho biết, ngoài việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, các trung tâm mua sắm hiện đại, công trình nhân tạo tráng lệ, Malaysia còn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp quốc tế với mức giá cạnh tranh. Chiến lược được thực hiện nhất quán, đó là tập trung cho du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm và du lịch mua sắm. Mỗi năm, Malaysia tổ chức những chiến dịch mua sắm với 3 đợt giảm giá sâu, mỗi đợt kéo dài từ một tháng trở lên nhằm thu hút khách. Malaysia cũng đặc biệt chú trọng phát triển ẩm thực, hướng đến sự đa dạng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức tất cả các món của châu Âu, Á, Mỹ, Phi, trong đó có cả ẩm thực Việt Nam của du khách. Ngoài phương thức tập trung đầu tư vào thế mạnh mua sắm, trung tâm giải trí của Malaysia, Thái Lan – một trong những “ông lớn” của Đông Nam Á về du lịch đã miễn visa cho khách đến từ 55 quốc gia và duy trì chính sách thuế ưu đãi. Những người đến Thái Lan bằng visa du lịch sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng với mức 7%. Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên du lịch Thái Lan được đào tạo ngoại ngữ một cách bài bản và thành thạo 3 ngoại ngữ. Không ít người cảm thấy thêm yêu “xứ sở Chùa Vàng” khi được nghe thuyết minh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đặc biệt, các đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ, biểu diễn ở đây liên kết chặt chẽ, vừa tạo sự hài lòng cho du khách, vừa đảm bảo lợi nhuận cho các bên. Sáng tạo và chi mạnh tay nhất cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch phải kể đến Nhật Bản. Những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản liên tục thực hiện các chiến dịch "B to B” (mời các công ty du lịch tới khảo sát thị trường Nhật Bản) tại nước ngoài. Đặc biệt, người Nhật thường tổ chức cho những người nổi tiếng và giới truyền thông các nước sang thăm, làm chương trình quảng bá du lịch. Bên cạnh đó là các hoạt động "B to C" (mở hội chợ, hội nghị, hội thảo chuyên đề du lịch để khách hàng trực tiếp cảm nhận sự hấp dẫn của Nhật Bản). Hiện tại, tỷ lệ giữa những chiến dịch “B to B” và “C to C” là 50/50, nhưng, tới đây, tỷ lệ này sẽ là 30/70, có nghĩa là du lịch Nhật Bản sẽ ngày càng hướng trực tiếp vào khách du lịch. “Trông người để ngẫm đến ta”, để thấy cách làm du lịch của Việt Nam dù đi sau nhưng vẫn chưa thể tận dụng được lợi thế đón đầu. Sự bài bản, sáng tạo của các “đối thủ” trong khu vực là những gợi ý thiết thực cho người làm du lịch Việt tham khảo và tìm ra hướng đi phù hợp cho riêng mình.
Khách du lịch tham quan Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc. Ảnh: Phạm Hùng |