Trong chiều nay (16/11), Quốc hội tiếp tục bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ông Vũ Huy Hoàng là một trong những Bộ trưởng được các đại biểu tập trung đặt câu hỏi nhiều nhất, đặc biệt là về sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) trình bày trước Quốc hội, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dòng ô tô, đặc biệt là xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L. Điều này khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại các DN sản xuất ô tô trong nước sẽ phải giải thể vì không thể cạnh tranh. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng kém cạnh tranh này nằm ở việc Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù định hướng cho ngành này đã có từ cách đây 20 năm nhưng phải mãi tới đầu tháng 11 này mới có Nghị định nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Với vai trò tư vấn cho Chính phủ, để xảy ra sự chậm trễ này, vai trò của Bộ Tài chính ở đâu ? đại biểu Nam đặt câu hỏi cho tư lệnh ngành Công thương. Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ nhiều năm nay Chính phủ đã dành nhiều quan tâm cho ngành này cũng như lĩnh vực công nghiệp nói chung. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm tăng khả năng sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài và hạn chế nhập siêu. Mới đây nhất là Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ưu đãi mới dành riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói. Bộ trưởng cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ đang phát triển từng bước một, điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã nâng giá trị gia tăng phần sản xuất trong nước của một số lĩnh vực như dệt may từ 10-20% lên 50%, da giày từ 20 lên 60%, ngoài ra phải kể đến hàng loạt lĩnh vực khác như xi măng, thiết bị sử dụng cho nhà máy điện ... Về lĩnh vực công nghiệp ô tô, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tỷ lệ nội địa hóa với ô tô từ 1.5L trở xuống còn thấp, chỉ đạt khoảng 10-15% nhưng đối với xe chở khách và xe tải 5 tấn trở xuống thì tỷ lệ nội địa hóa đã lên đến 45%. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đẩy mạnh khâu hợp tác quốc tế dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Bộ đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ phát triển ngành này thông qua sáng kiến chung Việt - Nhật. Phía Nhật đã giao cho Jica (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hàng năm tổ chức hội chợ triển lãm, thu hút DN Việt Nam tham gia và kết nối với DN Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu. Đã có DN 2 nước hợp tác với nhau trong lĩnh vực xe máy, Bộ trưởng nêu ví dụ. Mới đây, Việt Nam và Hàn Quốc đã khai trương dự án vườn ươm công nghệ cao tại TP Cần Thơ. Qua dự án này, Hàn Quốc cam kết chuyển giao 100 công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, máy nông nghiệp, chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam, Bộ trưởng chia sẻ. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trơ vẫn còn nhiều yếu kém, chính vì vậy trong thời gian tới, Bộ Công thương cũng như các Bộ, ngành có liên quan sẽ cố gắng hơn nữa để ngành này phát triển phù hợp với quy mô kinh tế của Việt Nam. Được biết, tại kỳ họp thứ 9 diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, đại biểu Thân Đức Nam cũng từng chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về vấn đề tương tự. Lần đó Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc các chính sách, ưu đãi chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |