Thế nên, huyện Hoài Đức - địa phương đang trong quá trình chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang đô thị hóa, công nghiệp hóa, luôn chú trọng gắn phát triển sản xuất với đảm bảo an toàn.
Theo Phó Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Nguyễn Thị Kim Thư, toàn huyện có tới 9.000 hộ sản xuất, kinh doanh, nên huyện rất chú trọng đến vấn đề ATVSLĐ - PCCN. Bằng nhiều hình thức, địa phương đã dành rất nhiều thời lượng tuyên truyền về công tác này qua hệ thống thông tin đại chúng, đài truyền thanh huyện, loa phát thanh các thôn, xóm.
Tuy nhiên, đến nay vẫn có những chủ kinh doanh chưa thực sự quan tâm thực hiện ATVSLĐ – PCCN. Môi trường làm việc, nghỉ ngơi tại nhiều đơn vị chưa được bảo đảm, ẩn chứa nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Người lao động cũng chưa nhận thức việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, giữ sạch sẽ môi trường và chấp hành quy trình an toàn lao động, bảo hộ lao động. Một lý do khách quan được bà Thư đưa ra lý giải cho thực tế này là Hoài Đức chưa có diện tích đất lớn làm thành một khu để đưa các hộ sản xuất vào đó. Vì thế, các hộ vẫn làm trong làng nghề, diện tích chật hẹp làm ảnh hưởng đến việc thực hiện ATVSLĐ - PCCN.
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, làm chết 9 người. Đáng chú ý là việc xảy ra ở cơ sở tại xã Đức Thượng khiến 8 người tử vong và 2 người bị thương. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, đây là những sự việc đau lòng và rất đáng tiếc, song cũng tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho công tác ATVSLĐ - PCCN ở huyện. Thế nên, ngay sau khi vụ việc xảy ra, địa phương đã tổ chức tập huấn cho 100% chủ hộ sản xuất, kinh doanh và ký cam kết thực hiện ATVSLĐ – PCCN. Việc tập huấn này được tiến hành đến hết tháng 9.