Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển tổ chức hành nghề công chứng: Còn thiếu chuyên nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 121 tổ chức hành nghề công chứng được thành lập, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 được thành lập 95 tổ chức hành nghề công chứng.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/8/2015, toàn TP đã có 104 tổ chức hành nghề công chứng (10 phòng công chứng và 94 văn phòng công chứng - VPCC) phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã.

Thiếu chuyên nghiệp

Theo báo cáo của UBND TP, ngoài những kết quả đạt được, hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, trình độ quản lý còn bất cập. Một số VPCC bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ công chứng ở các địa bàn ngoài trụ sở của tổ chức, không niêm yết lịch làm việc. Bên cạnh đó, việc thu phí, thù lao công chứng cao hơn quy định, thu phí không ghi biên lai, hóa đơn; vi phạm quy định về lưu trữ hồ sơ công chứng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng.
Tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng Công chứng Hà Nội.
Tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng Công chứng Hà Nội.
Bà Phạm Thu Hằng - VPCC Phạm Thu Hằng, quận Đống Đa đề xuất, việc công chứng bản dịch chỉ nên giao cho các VPCC, bởi việc công chứng ở UBND các phường/xã với mức phí 10.000 đồng/bản, trong khi tại các VPCC là 50.000 đồng/bản. Hay việc công chứng học bạ ở UBND các phường/xã là 10.000 đồng/bản, trong khi tại các VPCC có phí cao hơn, người dân sẽ thắc mắc và có sự lựa chọn. Hoặc trường hợp người dân có 2 số CMND, trong hợp đồng VPCC ghi rõ 2 số, tuy nhiên khi thực hiện thủ tục lĩnh vực TN&MT lại bị ách tắc.

Đại diện các tổ chức hành nghề công chứng thừa nhận, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về công chứng với các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các cơ quan tổ chức có liên quan chưa chặt chẽ dẫn đến việc quản lý thiếu thông tin, hiệu quả quản lý chưa cao. “Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đang thẩm định hết các loại giấy tờ, vì vậy đề nghị TP chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Ngoài ra, quá trình xây dựng Luật Chứng thực cần quy định hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động công chứng, đảm bảo an toàn trong giao dịch nhà đất” - Trưởng phòng Công chứng số 6 (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Bang đề xuất.

Vướng do lỗi thể chế

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, vướng mắc về thẩm quyền công chứng, chứng thực do lỗi thể chế. Các đơn vị phải có trách nhiệm phối hợp với nhau trong công tác quản lý Nhà nước. Sở Tư pháp phải tổng hợp lại những vướng mắc, thực hiện ngay quy chế phối hợp để giải quyết các vướng mắc giữa các sở, ngành: Tư pháp, TN&MT, Tài chính, Thuế... “Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật công chứng của các tổ chức, xử lý vi phạm triệt để, tăng cường kỷ cương kỷ luật, tăng trách nhiệm giải trình. Tới đây, nên khuyến khích người dân đến công chứng tại các cơ sở đã mở trên địa bàn để nhận được sự an toàn pháp lý cao hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Theo Sở Tư pháp, tới đây, đơn vị sẽ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về công chứng, chứng thực đối với 15 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, xử lý nghiêm những công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.