Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Cà phê Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) giai đoạn 2012 – 2015.

Mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm Vinacafe có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh trên cơ sở năng suất, chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm cà phê; phát huy thương hiệu Vinacafe, có uy tín trong nước và thế giới; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và khu vực Tây Nguyên.

Theo nội dung tái cơ cấu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty Cà phê Việt Nam là trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. Bên cạnh đó, Vinacafe được kinh doanh các ngành, nghề có liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính là sản xuất đồ uống từ sản phẩm cà phê.

Vốn điều lệ của Tổng công ty Cà phê Việt Nam sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.

Phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên

Theo Đề án, duy trì Công ty mẹ - Vinacafe là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 13 đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ; 25 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Vinacafe nắm giữ 100% vốn điều lệ; 2 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Vinacafe nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Vinacafe nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ...

Cũng theo Đề án, thoái 100% vốn của Công ty mẹ - Vinacafe tại các Công ty cổ phần: Xây dựng Đồng Tâm; Thương mại Dịch vụ Vinacafe Đắk Lắk; Sản xuất phân vi sinh Vinacafe; Giống cây trồng Tây Nguyên; Xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên; Xuất nhập khẩu cà phê Intimex Nha Trang.

Còn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Ea Tul được chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Đắk Lắk; thực hiện phá sản với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinacafe Quảng Trị.