Văng khỏi bụng mẹ Nguyễn Thị Kim Ngọc trong tai nạn với ôtô đi cùng chiều, bé sơ sinh một chân bị đứt lìa được đưa đến bệnh viện An Giang sơ cứu trước khi chuyển về TP.HCM vào ngày 25/10/2014. Tình trạng bé hết sức nguy kịch. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã kích hoạt hệ thống "báo động đỏ" cho tất cả các chuyên khoa. Là ngày nghỉ song các bác sĩ lập tức có mặt. Mong ước đầu tiên là nối lại cái chân đã đứt lìa cho bé đã không thể thực hiện được. Với sự phối hợp tổng lực của nhiều chuyên khoa gồm hơn 20 bác sĩ giỏi nhất, ca phẫu thuật diễn ra khá suôn sẻ. Mãi đến 4 ngày sau phẫu thuật bé mới bắt đầu có sức thở.
|
Sau hai tuần cận kề cái chết, sáng 10/11/2014 cậu bé đã nhoẻn cười khi bác sĩ đến khám khiến cả bệnh viện và những người quan tâm thở phào sung sướng. Sự bình phục của cậu bé được coi như một phép màu. Bé Huy sống sót được nhiều người ví như chú lính chì dũng cảm với một chân bị mất. "Trong đời bác sĩ, đây là lần đầu tiên tôi tiếp nhận một trường hợp thương tâm như thế. Đến giờ, hình ảnh đứa bé sơ sinh nhợt nhạt do mất quá nhiều máu, một chân bị đứt lìa phải ngâm trong thùng đá được đưa đến bệnh viện, vẫn ám ảnh tôi", bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ.
|
Sau 25 ngày đấu tranh với tử thần và giành chiến thắng một cách kỳ diệu, bé Huy được các bác sĩ trao tận tay cha Nguyễn Văn Nam. Người bố cũng bị mất một chân như bé sau tai nạn cướp đi sinh mạng của người mẹ. Ánh mắt rưng rưng, ông bố thỉnh thoảng lại mân mê phần chân của con đã bị đứt lìa chỉ còn mỏm cụt trên gối.
|
Xuất viện trở về quê nhà An Giang, cậu bé thiếu tình mẫu tử sống trong sự yêu thương chăm sóc của bố và những người dì, bà con họ hàng. Anh Nam sau thời gian dùng 2 cây tó tập đi, sức khỏe bình phục đã được các nhà hảo tâm tài trợ lắp chân giả.
|
Cậu bé lúc hơn 3 tháng tuổi cân nặng 5,9kg, mặt sáng rỡ, mắt rất lanh, hay cười và biết “nói chuyện” với mọi người, đang tập lẫy. Cậu bé chỏi chân phải cụt đến đầu gối xuống manh chiếu, ỳ ạch, nhăn mặt cố lẫy người sang bên. Trầy trật một lúc cháu lật cái vèo lên, ngẩng mặt vẻ tự hào. Phần chân cụt đến đầu gối khiến bé gặp nhiều khó khăn trong việc tập bò, tập trườn.
|
Nửa tuổi, bé Huy cân nặng hơn 7kg, phát triển đúng chuẩn một đứa trẻ bình thường khi đi tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
|
Các bác sĩ giúp bé những bài tập luyện hỗ trợ phù hợp để chuẩn bị cho việc lắp chân giả sau này.
|
Vấn đề khó khăn là phần mỏm cụt ở trên đầu gối của bé nên chân giả phải có cấu tạo đặc biệt, co duỗi ở khớp gối để trợ lực giúp cháu có thể giữ thăng bằng và di chuyển dễ dàng. Các bác sĩ đã liên hệ với một tổ chức phối hợp hỗ trợ lắp chân giả cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất này.
|
Được lắp chân giả khi gần 11 tháng tuổi, bé Huy có 10 ngày làm quen với chân giả trước khi đến bệnh viện để tập những bước đi đầu tiên chiều 29/9. Khi mới lắp chân giả bé khóc và không chịu mang, sau đó mới quen dần và có thể tự bò, tự đứng được, cử động lanh lẹ bình thường. Bé có thể vịn tay đứng lên bằng chân thật rồi kéo chân giả đứng lên và đứng được trên chân giả. Ở nhà khi được đặt trong chiếc xe đẩy, bé khá thích thú và tự vịn tay để đứng bằng cả hai chân.
|
Tuy đã làm quen với chân giả, bò và đứng được bằng hai chân nhưng khi tập những bước đầu tiên bé vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Mất hơn một tiếng đồng hồ cháu mới chịu đi lại với sự hỗ trợ của khung tập đi có bánh xe. Những giọt nước mắt liên tục rơi trên gương mặt bé nhỏ suốt buổi chiều tập luyện. Bé sẽ được người thân tập đi tiếp tục với sự hướng dẫn của các bác sĩ. Khi bé lớn hơn, tùy tình hình các bác sĩ sẽ thăm khám và đổi chân giả phù hợp cho bé.
|