Ngày 16/12, hàng triệu cử tri Nhật Bản đã tới khoảng 49.000 điểm bầu cử để lựa chọn 480 Nghị sĩ từ 1.504 ứng cử viên. Với chiến thắng ngoạn mục tại cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 46, liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công minh mới (NPK) đã vượt qua Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) để quay lại nắm quyền, mở đường để Chủ tịch LDP Shinzo Abe trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản.
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Thủ tướng đương nhiệm Yoshihiko Noda đã tuyên bố sẽ từ chức để chịu trách nhiệm cho thất bại cay đắng của DPJ chỉ sau hơn 3 năm thống trị chính trường. Sau quá nhiều biến cố, nhất là việc phải trải qua thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011, đối với người dân xứ sở hoa anh đào, việc LDP - chính đảng đã có hơn 50 năm kinh nghiệm lãnh đạo đất nước quay trở lại nắm quyền là một cơ hội để thay đổi tương lai đất nước theo hướng tốt đẹp hơn.
Ông Shinzo Abe đang từng bước quay lại trung tâm sân khấu chính trị Nhật Bản.
Cùng ngày, 17 triệu cử tri Venezuela, đã đi bầu 23 thống đốc và 237 thành viên hội đồng lập pháp bang. Nhiều khả năng Đảng xã hội thống nhất cầm quyền (PSUV) sẽ tiếp tục giành chiến thắng, góp phần củng cố quyền lực kể cả khi Tổng thống Hugo Chavez vẫn đang phải vật lộn với quá trình chữa bệnh ung thư.
Tại Hàn Quốc, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống 3 ngày, ứng viên Lee Jung Hee của Đảng Tiến bộ hợp nhất đã quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Xanh. Tuyên bố bỏ cuộc và ủng hộ ứng viên Moon Jae In (Đảng Dân chủ thống nhất) của bà Lee khiến cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Vì thế, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình cuối cùng diễn ra tối 16/12 về chính sách xã hội sẽ có ý nghĩa quyết định đến cuộc đua giữa ông Moon Jae In và bà Park Geun Hye (Đảng Thế giới mới).Còn ở Ai Cập, phe ủng hộ và chống Chính phủ đều tuyên bố đã giành thắng lợi trong giai đoạn đầu tiên của cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới diễn ra hôm 15/12.
Tuy nhiên, bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra ngay bên ngoài các điểm bỏ phiếu khiến nhiều người lo ngại rằng kể cả khi kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý được công bố sau giai đoạn hai diễn ra vào hôm 22/12, bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này chưa chắc đã chấm dứt.
Trong khi đó, giới chức Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành đàm phán nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc tranh chấp kéo dài ở khu vực Kashmir. Kể từ khi giành độc lập từ thực dân Anh năm 1947, trong ba cuộc chiến đã nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan thì đã có hai cuộc chiến liên quan đến tranh chấp Kashmir. Vì thế, cuộc đàm phán lần này là phép thử chiến lược và có ý nghĩa đối với hòa bình, ổn định của hai nước nói riêng và của cả khu vực nói chung.