Ngày 28/7, tại TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hội thảo góp ý về định mức chi phí tái chế và chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam.
Theo đó, hội thảo nhằm tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs).
Quyết định này nhằm xác định mức đóng góp hỗ trợ tái chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt EPR), có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết, VCCI cùng các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng mong muốn được chia sẻ và đóng góp các ý kiến xây dựng để có một dự thảo định mức chi phí tái chế (Fs) phù hợp, khả thi nhất cho cả mục tiêu bảo vệ môi trường và sản xuất, tiêu thụ bền vững. Nếu không có định mức chi phí tái chế phù hợp sẽ không thể triển khai trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu hiệu quả.
Chia sẻ tại hội thảo, các Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) và Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) bày tỏ quan ngại rất lớn là hệ số định mức chi phí tái chế trong dự thảo còn cao, bất hợp lý. Thậm chí, hệ số này còn cao hơn các nước Tây Âu như nhôm cao gấp 1,26 lần, thủy tinh cao hơn 2,12 lần.
Với dự thảo ngày 26/7/2023, theo tính toán của các hiệp hội, chỉ riêng 3 loại bao bì chính là: giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính là 6.127 tỉ đồng/năm, chưa kể phí tái chế các vật liệu khác. Đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao. Đặc biệt là, trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, giá sản phẩm cao sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân.
Các hiệp hội và doanh nghiệp nhấn mạnh, thực tế có nhiều loại bao bì có giá trị tái chế cao hơn chi phí tái chế, như kim loại, giấy carton, nhựa cứng… đang được tái chế gần như hoàn toàn. Các loại này không có nguy cơ đến môi trường, các nhà tái chế chính thức đều đang có lãi mà không cần phải hỗ trợ.
Mức Fs cao của các vật liệu này khiến các doanh nghiệp và 100 triệu người dân đang khó khăn phải hỗ trợ cho vài chục nhà tái chế đang có lãi, trong khi không có lợi ích gì thêm cho môi trường, rõ ràng là chưa phù hợp.
Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký VPA, thông tin năm 2022 Việt Nam tiêu thụ 9,2 triệu tấn nguyên liệu nhựa, trong đó nhóm bao bì chiếm 38%. Tuy nhiên, ngành tái chế nhựa Việt Nam mới bước vào giai đoạn đầu, đang gặp nhiều khó khăn. Ngành bao bì nhựa là ngành gia công với công nghệ đơn giản, dễ làm nên biên lợi nhuận rất thấp, chỉ xoay quanh khoảng 5%. Với định mức chi phí tái chế như dự thảo thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi đã ít, đóng góp lại lớn, ngành nhựa đứng trước nguy cơ chưa kịp lớn đã teo tóp.
"Lãi đã ít, đóng góp lại lớn, ngành nhựa Việt nam đứng trước nguy cơ chưa kịp lớn đã teo tóp" - bà Mỹ nói.
Trong khi đó, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch VBA cho rằng, dù dự thảo ngày 26/7 đã có điều chỉnh giảm một số định mức chi phí tái chế nhưng định mức tái chế (Fs) của Việt Nam vẫn cao hơn trung bình 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển. Ví như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần.
"Fs cao và bất hợp lý nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của doanh nghiệp. Đặc biệt trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay khi riêng 6 tháng đầu năm đã có đến 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, và số người thất nghiệp đã lên tới 1,07 triệu người" - bà Vân Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông James Ollen - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam TP Hồ Chí Minh (AmCham Việt Nam) lo ngại, định mức chi phí tái chế cao sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Ông James Ollen kiến nghị các bao bì, sản phẩm có giá trị tái chế cao chỉ nên để hệ số 0,1 để hỗ trợ việc thu gom, tái chế ở vùng sâu, vùng xa, nhưng không nên cao hơn mức này.
Các hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị, cần xem xét lại mức Fs cho phù hợp, không để hàng ngàn doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải đóng góp quá cao chỉ để hỗ trợ cho vài chục doanh nghiệp tái chế.
Các Hiệp hội doanh nghiệp mong muốn, ban soạn thảo xem xét thấu đáo các ý kiến để điều chỉnh Fs cho hợp lý, và hoàn thiện các quy định nhằm triển khai chính sách EPR hiệu quả, hướng tới kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ 01/01/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện EPR. Để thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức Fs cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.