Mở cửa phiên sáng nay, trên sàn HOSE nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khiến chỉ số VN-Index bật mạnh lên trên 911 điểm. Tuy nhiên, sau nửa giờ giao dịch, dòng tiền khớp lệnh hạn chế, nhất là đợt khớp lệnh tính giá cuối phiên nhà đầu tư đặt lệnh dè dặt khiến cho các cổ phiếu quay đầu đi xuống. Một số mã ngân hàng hôm qua tăng giá mạnh và khớp tốt cũng hạ độ cao, và thanh khoản hạn chế. Trước 1 giờ đóng cửa chỉ số VN-Index đã xuống giao dịch quanh tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trụ đỡ của thị trường trong những phiên vừa qua, sáng nay vẫn tăng giá và có nhiều mã thanh khoản cao nhất HOSE để hỗ trợ chỉ số. Cụ thể, STB tăng 1,2% lên 12.350 đồng/CP, khớp tốt nhất sàn với trên 3 triệu đơn vị. CTG hôm qua tăng mạnh và khớp đứng đầu sàn HOSE thì sáng nay đã quay đầu giảm nhẹ, khớp lệnh thứ 2 trên sàn với gần 2 triệu đơn vị. VCB tăng 0,7% lên 55.800 đồng/CP. TCB tăng 0,8% lên 26.850 đồng/CP. BID trở lại mốc tham chiếu, còn một vài mã ngân hàng khác giảm nhẹ.
Không chỉ có nhóm ngân hàng phân hóa, các cổ phiếu bluechip khác cũng đảo chiều đi xuống, chỉ còn vài mã xanh nhạt, như: VNM, VIC, MSN, PLX…, Trong nhóm VN30 chỉ có VJC tăng tốt nhất cũng chỉ lên đến 1,8%, thanh khoản hạn chế.
Ngược lại nhóm cổ phiếu giảm khá nhiều như: VHM, GAS, SAB, MWG, HPG, NVL…
Kết thúc phiên sáng, với 119 mã tăng và 136 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,14 điểm, xuống 908,65 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 60,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.319 tỷ đồng, tăng nhẹ về lượng và giá trị so với phiên sáng qua.
Bước vào phiên giao dịch buổi chiều, cũng giống phiên sáng VN-Index vọt lên trên tham chiếu gần chạm mốc 910 điểm đã quay đầu đi xuống. Đợt khớp lệnh ATC cuối phiên dòng tiền tiếp tục hạn chế, nhiều mã VN30 giảm giá; trong đó nhóm ngân hàng chỉ còn vài mã hỗ trợ thị trường, còn lại rơi vào sắc đỏ khi đóng cửa, khiến VN-Index đứng tham chiếu kết tuần.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa, chỉ còn STB tăng nhẹ và thanh khoản cao nhất HOSE với 6,42 triệu đơn vị. VCB cũng tăng nhẹ khớp hơn 1 triệu đơn vị. Ngược lại, mã khớp lệnh đứng thứ 2 trên HOSE là CTG thì tiếp tục giảm giá, mất 1,2% xuống 20.200 đồng/CP. BID cũng quay đầu đi xuống giảm 1,4% xuống 32.050 đồng/CP, khớp 0,57 triệu đơn vị. MBB khớp đứng thứ 4 trên sàn HOSE với trên 3,3 triệu đơn vị nhưng giảm nhẹ. VPB cũng giảm nhẹ, khớp trên 1,35 triệu đpn vị. TCB đứng tham chiếu, khớp trên 1,7 triệu đơn vị. Đứng giá tham chiếu còn có HDB thanh khoản gần 0,9 triệu đơn vị.
Như vậy, nhóm ngân hàng vẫn có khối lượng cổ phiếu giao dịch lớn trên HOSE nhưng phần lớn mất giá, do đó cũng là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index rung lắc.
Tăng giá ấn tượng nhất phiên là VJC với mức tăng 3,8%, đứng giá cao nhất ngày lên 122.500 đồng/CP, nhưng khớp lệnh hạn chế chỉ có trên 0,77 triệu cổ phiếu giao dịch thành công.
Phiên chiều, chỉ số VN-Index còn nhận được sự hỗ trợ từ các mã lớn như VNM, VIC, MSN, PLX … tuy nhiên, mức tăng giá và thanh khoản đều ở mức thấp.
Ngược lại, một số mã trong nhóm VN30 vẫn giảm giá, gây áp lực lên chỉ số như: VHM, GAS, HPG, NVL, MWG, ROS …
Kết thúc phiên cuối tuần, với 134 mã tăng và 155 mã giảm trên HOSE, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,09 điểm lên 908,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 117,59 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.671,43 tỷ đồng, tăng hơn 6,6% về khối lượng và giá trị đạt tương đương với phiên hôm qua.
Trên sàn HNX, chỉ số cũng bắt đầu cả phiên sáng và chiều trong sắc xanh. Nhưng HNX-Index không có được may mắn như VN-Index mà cuối phiên không thể về kịp sắc xanh. Các mã vốn hóa lớn trên sàn cũng phân hóa và phần lớn đóng cửa trong sắc đỏ và đứng tham chiếu, như: ACB, NTP, PVS, VGC, HUT, CEO. Chỉ còn vài mã tăng giá nhẹ.
Đóng cửa tuần, với 62 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm xuống 102,74 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 18,76 triệu đơn vị, giá trị 220,11 tỷ đồng, giảm đến trên 33,6% về lượng và giảm gần 41,8% về giá trị so với phiên hôm qua.
Thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM–Index chỉ có sắc xanh nửa đầu phiên sáng, sau đó rơi xuống dưới tham chiếu và giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên chiều. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 53,72 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,55 triệu đơn vị, giá trị 109,54 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán những phiên cuối năm ảm đạm là đương nhiên, vì hầu hết các nhà đầu tư muốn nghỉ ngơi sau 1 năm hoạt động kinh doanh. Một số người rút vốn ra khỏi thị trường để chuyển sang đầu tư kinh doanh ngắn hạn trong dịp Tết Nguyên đán. Những người còn giao dịch trên sàn thì cũng không muốn vay ký quỹ để đầu tư tránh rủi ro khi nghỉ dài ngày vào dịp Tết, mà dùng vốn tự có. Dự báo tuần tới trước kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm.