Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề cập tình hình trên khi thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.
Nhiều tồn tại từ quy hoạch đến chất lượng
Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được hình thành trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế |
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó có sự thiếu đồng bộ trong các quy định từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư (doanh nghiệp dự án), nhà thầu thi công triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án, cũng như quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan ở các cấp, các ngành.
“Việc tham vấn ý kiến khi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thu phí trên đường hiện hữu chưa được quy định cụ thể đã làm hạn chế quyền của người dân. Mặt khác, việc chưa có quy định để người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước đã làm hạn chế chất lượng cung ứng dịch vụ và khó khăn trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp dự án BOT” – báo cáo giám sát nhấn mạnh.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá những tồn tại, hạn chế phần nhiều do chủ quan. Như phản ánh đường độc đạo ông bà để lại nhưng đầu tư lên một chút lại thu tiền nên bà con bức xúc. Hay đường quá ngắn chúng ta cũng làm BOT. Chất lượng công trình một số dự án còn kém, giá thành dự án đầu tư cao, đội giá...“Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua rất buồn! Xả trạm 2 lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý” - ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ và đặt vấn đề cần quy hoạch trên cả nước có bao nhiêu km quốc lộ chính triển khai BOT, rồi tại sao những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực chưa quan tâm.
Cần làm rõ nguyên nhân người dân phản ứng
“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát. Đúng là giai đoạn vừa qua làm BOT còn ồ ạt. Bộ đã có tổng kết 5 năm thực hiện dự án giao thông và có báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan. Rất mong các kiến nghị đó được đoàn giám sát quan tâm đánh giá và bổ sung” – Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa |
Theo ông Đỗ Bá Tỵ, phản ứng người dân đều liên quan đến vấn đề này, nguyên nhân chủ yếu là khâu quản lý. Mức thu, thời gian, thoả thuận đặt trạm thiếu sự công khai, minh bạch. Như quy định đặt trạm cần tham khảo ý kiến người dân nhưng vừa qua thực hiện không đến nơi đến chốn, có nơi hình thức, một số nơi áp đặt nên dẫn đến hậu quả trên.
“Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc. Tôi nghĩ vấn đề này báo cáo cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu, để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo” – ông Đỗ Bá Tỵ nói.
Về nguồn lực làm BOT, ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh thực chất các dự án BOT đều sử dụng vốn vay ngân hàng. Có dự án sử dụng mức vốn vay rất cao, phí vay, thời gian vay nhiều dẫn đến tình trạng thời gian thu dài, mức thu cao. Để giải quyết vấn đề này cần làm rõ nguyên nhân, phân tích rõ hơn nữa cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn để không tạo sức ép cho việc thực hiện BOT.
“Phần lớn BOT nằm ở giao thông đường bộ mà đường thuỷ, sắt không thấy nhà đầu tư “nhảy vào”. Phải chăng chỉ đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư? Đây cũng là cái tập trung nghiên cứu. Vậy chính sách ưu tiên của nhà nước đối với lĩnh vực này như thế nào?” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Cũng theo ông Đỗ Bá Tỵ, giám sát của Quốc hội chưa đủ mà cần nâng cao thanh tra, kiểm tra của nhà nước, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ, đảm bảo minh bạch, công khai. Cùng với đó rà soát các trạm thu phí, nơi nào không đảm bảo khoảng cách 70km thì Nhà nước nên mua lại để bỏ việc thu phí, bớt bức xúc cho dân. Cần thiết thì tổng rà soát để xây dựng quy hoạch BOT, thu phí cả nước do Chính phủ quy định thì bài bản và chủ động hơn.