Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Độ tin cậy là điều cốt lõi khẳng định vai trò của báo chí

Việt An (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn địa chấn toàn cầu Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Nhưng cũng chính trong đại dịch, báo chí lại khẳng định vị thế của mình trước mạng xã hội trong dẫn dắt và định hướng dư luận. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi liên quan đến vấn đề này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng các đại biểu bên lề buổi gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu tháng 6/2020. Ảnh: Chiến Công
Thưa ông, trong thời gian phòng, chống đại dịch Covid-19 của nước ta vừa qua, hình ảnh những người làm báo cùng với các lực lượng chức năng khác luôn có mặt kịp thời tại các điểm nóng về dịch bệnh gợi cho ông những suy nghĩ gì? 
- Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Chính phủ, cùng với lực lượng chức năng như y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí chính là một trong những lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh, tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Cùng với đó, báo chí động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, đang nổi lên như điểm sáng, bài học đáng quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch Covid-19. Trong 155 quốc gia có ca nhiễm, đến nay Việt Nam là một trong 30 quốc gia không có ca bệnh bị tử vong, “là niềm mơ ước của nhiều nước” như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Đó là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào của báo chí. 
Phải chăng đó là một minh chứng để thêm một lần nữa khẳng định vai trò của báo chí Cách mạng Việt Nam trong quá trình đồng hành cùng đất nước, thưa ông? 
- 95 năm qua, nền báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành trên mọi chặng đường đấu tranh kiên cường của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong suốt gần một thế kỷ qua, dù đất nước ở trong thời kỳ nào, tinh thần dấn thân, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo cũng luôn được phát huy. Điều sâu sắc, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và Nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. 
Rõ ràng, Covid-19 thật sự là một cơn đại địa chấn toàn cầu, làm rung chuyển và đảo lộn toàn bộ cuộc sống của tất cả người dân cũng như mọi ngành nghề, lĩnh vực trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. Theo ông, bức tranh về báo chí “hậu Covid-19” sẽ được “phác họa” như thế nào? 
- Trong hoạt động báo chí, kinh tế báo chí là vấn đề lớn và rất khó. Ai đó nói rằng, Covid-19 đã làm lộ ra điểm yếu của báo chí thì tôi cho rằng, đó chỉ là một phần của hiện thực. Đối với những đóng góp vô cùng quan trọng trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19, báo chí đã tạo được niềm tin đối với xã hội để tất cả cùng đồng lòng thực hiện những chủ trương, biện pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, báo chí bị suy giảm nguồn thu từ 30-50%, có nơi giảm đến 60 - 70%. Báo chí vốn đã khó khăn trong kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, nay đại dịch làm cho những khó khăn của báo chí càng nghiêm trọng hơn. Nhận thấy điều này, trên cơ sở đề nghị của nhiều cơ quan báo chí, HNBVN đã có văn bản trình Chính phủ và Bộ Tài chính đề nghị quan tâm hỗ trợ báo chí như giãn thuế, giảm thuế, không phạt vì nộp thuế chậm đối với các cơ quan báo chí, được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để phục vụ hoạt động của báo chí chống dịch…Công văn này đáp ứng được tình hình thực tế, được cơ quan báo chí và đồng nghiệp rất quan tâm. Bộ Tài chính đã có công văn trả lời, nêu rõ từng nội dung và đề nghị HNBVN nghiên cứu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện các nội dung hỗ trợ. 
Tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí đang phải trải qua một biến cố, thách thức chưa từng có khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Song, trong cái khó ló cái khôn. Ông có nghĩ rằng dịch Covid-19 chính là một cơ hội để báo chí “vượt” mạng xã hội, khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của mình là cung cấp thông tin chính xác, định hướng và tư vấn cho người dân không, thưa ông? 
- Tôi ấn tượng với con số 89% số người Việt Nam được Công ty YouGov (Anh) hỏi tin tưởng với truyền thông trong nước liên quan đến việc đưa tin về dịch Covid-19. Con số này thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền công khai, minh bạch về phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Tin vào báo chí là tin vào những thông tin báo chí cung cấp, và sâu xa hơn là người dân tin vào Đảng, Nhà nước. Điều đó cũng cho thấy báo chí có rất nhiều dư địa để phát triển và sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo.
Như đã đề cập ở trên, khó khăn, thách thức đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn. Để giải quyết những khó khăn của báo chí và để từng cơ quan báo chí có đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn ấy, thì ngoài việc cần một chiến lược mang tính tổng thể ở cấp độ quốc gia, từng cơ quan báo chí cũng cần có những giải pháp riêng.
Để có một cơ quan báo chí đủ mạnh, trước hết cần một Ban Biên tập mạnh có khả năng điều hành hoạt động của có quan báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần đội ngũ người làm báo vừa vững vàng bản lĩnh chính trị, vừa tinh thông trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, hạ tầng thông tin cần được đầu tư, củng cố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Điều đáng mừng là hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đều cảm nhận thấy một thời đại thông tin, truyền thông mới đã bắt đầu và không ai có thể ngồi yên. Nhiều cơ quan đã xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện, đa nền tảng. Từ đó, bồi dưỡng rèn luyện người làm báo đủ năng lực tác nghiệp trong môi trường mới.
Là một nhà báo với hơn 40 năm trong nghề, nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), ông muốn gửi gắm điều gì đến những người làm báo trẻ hiện nay?
- Nghề báo ở bất cứ thời kỳ nào chưa bao giờ là nghề dễ. Đây là một trong những loại lao động đặc biệt, đòi hỏi nhà báo phải luôn nỗ lực để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nghề. Trong các tác phẩm báo chí, tính chiến đấu và tính nhân văn phải luôn song hành, đan hòa. Phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, kiên định bảo vệ công lý và lẽ phải, nhưng cũng phải luôn tôn trọng quyền con người, không lùi bước trước khó khăn, không bị mua chuộc và cám dỗ. Tinh thần quả cảm và trái tim nhân ái là điều rất cần ở người làm báo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!